Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có hàng trăm chợ truyền thống, bảo đảm cho việc giao lưu, mua bán hàng hóa của người dân; trong đó nhiều chợ có tuổi đời cả trăm năm như chợ Búng, chợ Lái Thiêu… Theo thời gian, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi: Từ chức năng là nơi mua bán, trao đổi sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ... nay còn kiêm luôn công việc phân phối và bán lẻ các sản phẩm công nghiệp (quần áo, thiết bị, điện tử…). Tại các chợ truyền thống, sản phẩm công nghiệp được bày bán ngày càng nhiều, đây là xu thế tất yếu của một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp như Bình Dương.
Hiện nay, với hàng chục siêu thị có mặt tại Bình Dương đã đem lại nhiều lựa chọn cho người dân trong tỉnh. Tuy vậy, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa trên địa bàn. Thời gian qua, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường giám sát, kiểm tra tại các chợ, lò mổ. Tuy vậy, vẫn còn xảy ra không ít trường hợp người dân mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, các chợ tự phát mọc rải rác trong khu dân cư trên địa bàn cũng đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong điều kiện phát triển như hiện nay, nhiều người đã lựa chọn kênh siêu thị là nơi mua sắm. Ngoài yếu tố hiện đại, có thể nói, sự cạnh tranh giữa chợ truyền thống và hệ thống siêu thị hiện nay chủ yếu đến từ yếu tố chất lượng và an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, xu thế lựa chọn siêu thị để mua sắm đang ngày càng phổ biến. Chợ truyền thống đang mất dần ưu thế, tuy nhiên vẫn có chỗ đứng vững chắc, nhất là khi các chợ ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong điều kiện hiện nay, sự cạnh tranh vai trò phân phối hàng hóa giữa chợ truyền thống và siêu thị đang diễn ra khá gay gắt. Để giữ được khách hàng, tiểu thương buôn bán ở các chợ phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc…
HOÀNG PHONG