Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Chọn ngày vu quy hay chọn… muộn phiền!

Thứ bảy, ngày 17/11/2012
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Đám cưới, chuyện quan trọng cả đời người và nó có 1.001 thứ cần phải lo lắng. Vậy mà đôi khi chỉ vì những bất đồng nho nhỏ như chọn ngày cưới, nơi đặt tiệc… cũng khiến nhiều cặp vợ chồng tương lai bị khủng hoảng tinh thần, chán nản và bối rối.

Tú Anh năm nay 23 tuổi và chồng tương lai 30 tuổi. Tú gặp và yêu anh khi anh đi theo công trình cách đây vài năm. Tình yêu của hai người đã vượt qua rất nhiều trở ngại từ phía gia đình để quyết định đi đến hôn lễ. Nhưng không ngờ với “hằng hà sa số” những thứ phải lo cho ngày trọng đại lại khiến hai người bị bối rối, khủng hoảng và thậm chí đôi lúc còn đứng trên bờ vực chia tay.

 

Tú Anh và chồng đã bàn bạc và đi đến thống nhất sẽ tổ chức đám cưới vào dịp đầu năm sau. Với quan niệm, cưới xin là chuyện hệ trọng cả đời và mong muốn cho con cái có được hạnh phúc trọn vẹn nên mẹ Tú Anh đã lên chùa xem được hai ngày đẹp để tổ chức. Nhưng bố của chú rể vốn là người thích… “ngâm cứu” bói toán, tử vi nên cực kỳ tin tưởng vào quyết định của ông cụ. Ông xem và chọn hai ngày khác hoàn toàn và quyết liệt cho rằng cả năm chỉ có hai ngày đó đẹp nhất. Nhưng khi nhà gái về xem lịch vạn sự thì một ngày chính “xung với cô dâu”, còn một ngày là “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”. Ai cũng cho là bên nhà mình đúng, bảo vệ ý kiến của mình, còn cô dâu, chú rể đứng giữa thì rối như mớ bòng bong khiến tình hình rất căng thẳng. Tú Anh chia sẻ: “Giữa tôi và anh chưa bao giờ có xích mích gì nhưng cứ nói đến chuyện cưới xin thì hai đứa lại cãi nhau. Đây là chủ đề duy nhất khiến tôi và anh ấy bất hòa từ trước đến nay. Tôi nghĩ, tôi lấy chồng chứ có lấy thầy đâu mà bắt tôi phải nghe, khổ quá... Bảo là coi ngày tốt, mà ngày tốt đâu không thấy chỉ thấy vì cái ngày đó mà cãi nhau, không khí căng thẳng thôi! Vì chuyện này tôi cũng stress mà chẳng làm được việc gì”.

Thiết nghĩ, trong chuyện này không nói nhà nào đúng nhà nào sai mà cả hai bên gia đình nên hướng đến cái chung là lễ thành hôn của hai người con. Xem ngày chỉ để an tâm hơn một chút nên cũng không nên quá cầu toàn, miễn sao đó không rơi vào những ngày nhạy cảm có chữ sát, ly, hao, kỵ, xung là được. Bởi, chẳng thần thánh nào mang lại hạnh phúc và sung túc cho mọi người.

Theo các nhà tâm lý, gần bước vào lễ cưới, bao nỗi lo toan sẽ đè nặng lên những đôi trai gái. Vì vậy, cô dâu và chú rể phải yêu thương nhau, đồng lòng cùng nhau trao đổi bàn bạc tìm hướng để thuyết phục bố mẹ, để hai bên thoải mái. Nếu vì bất cứ lý do gì mà một trong hai người cô dâu hay chú rể có tư tưởng rã đám là không hay. Đã yêu nhau thì hãy nghĩ việc cưới, lập gia đình là điều cốt lõi chứ không phải ngày đẹp, cỗ bàn hay những thủ tục nào đó là quá quan trọng và nhất nhất theo một ý kiến chủ quan. Việc chọn ngày chỉ đơn giản là tìm ra một ngày phù hợp với cả hai gia đình, miễn sao thuận tiện sắp xếp công việc và khiến đôi bên vui vẻ, hài lòng chứ không phải tìm ra một ngày để mong được giàu sang phú quý, sung sướng, viên mãn như nhiều người nhầm tưởng.

THU THỦY