Chống dịch cúm A/H1N1: Việt Nam đã chi gần 1.000 tỉ đồng

Cập nhật: 14-01-2010 | 00:00:00

 

Cúm A/H1N1 chính thức xuất hiện tại VN ngày 31-5-2009, sau khi có bệnh nhân đầu tiên là một du học sinh từ Mỹ về nghỉ hè ở TP.HCM. Để chống lại đại dịch cúm A/H1N1, tính đến hết năm 2009 ngân sách T.Ư và các địa phương đã chi gần 1.000 tỉ đồng.

 

Trong đó đến hết tháng 10-2009 Bộ Tài chính đã hỗ trợ trên 790 tỉ đồng cho 52 tỉnh thành và tám bộ, ngành T.Ư mua sắm thiết bị, tuyên truyền chống dịch.

 

Dịch đã giảm, thiết bị lại chưa có

 

Tuy nhiên, trái với dự đoán dịch cúm A/H1N1 sẽ bùng phát vào mùa đông xuân 2009-2010, từ tháng 12-2009 số ca nhiễm bệnh lại giảm mạnh (chỉ chiếm 4%/tổng số xét nghiệm).

 

Máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vẫn đang hoạt động.

Chiều 13-1, cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga cho biết trong số trên 790 tỉ đồng được cấp từ Bộ Tài chính, Cục Y tế dự phòng và môi trường được chuyển 54 tỉ đồng để mua 15 máy đo thân nhiệt từ xa, một số ôtô chuyển bệnh phẩm, hóa chất và trang phục bảo hộ. Nhưng ôtô và máy đo thân nhiệt từ xa dự kiến phải một tháng sau Tết 2010 mới lắp đặt xong!

 

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - nơi được giao mua ba ôtô cho ba bệnh viện tuyến T.Ư, một số máy thở, máy xét nghiệm sinh hóa... chống dịch trị giá 60 tỉ đồng - cho biết hợp đồng đã ký xong hết mà hàng thì... chưa về.

 

Tháng 6-2009, trước khi triển khai gói thầu mua 15 máy đo thân nhiệt từ xa, toàn quốc có 14 máy đo thân nhiệt đặt tại các sân bay, cửa khẩu quốc tế từ nguồn mua hoặc được tặng sau dịch SARS 2003 nhưng hầu hết đều bị hỏng. Trong số này, sân bay Nội Bài có ba máy (hai do Bộ Y tế cấp đều bị hỏng) nên phải dùng trên 100 máy đo thân nhiệt dạng cầm tay; máy đặt tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) được cấp năm 2004 đã hỏng dù được sửa chữa nhiều lần.

 

Các máy đo thân nhiệt đặt tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Hà Khẩu (Lào Cai) cũng trong tình trạng tương tự. Trong tháng 5 và 6-2009, Hà Nội và TP.HCM đã mua ba máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để gỡ rối tình hình này.

 

Có máy lại không biết dùng

 

Hiện Cục Quản lý khám chữa bệnh đang chuẩn bị đánh giá tình trạng máy và hiệu quả sử dụng 1.000 máy thở mua từ nguồn tài chính được cấp trong dịch cúm A/H5N1 năm 2005. Một quan chức cục này thừa nhận một số máy thở cấp cho bệnh viện huyện trong dự án này đã phải “đắp chiếu” một thời gian dài vì nhân viên y tế chưa biết sử dụng. Chính vì vậy trong đợt dịch cúm A/H1N1 năm nay, số máy thở được mua chỉ dành cấp cho bệnh viện tuyến T.Ư, nơi thành thạo cách dùng và còn đang thiếu thiết bị này.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng những hoạt động chống dịch của VN đã được quốc tế đánh giá làm chậm sự xuất hiện của dịch trong hai tháng. Tuy nhiên, rõ ràng VN cũng đã tổn thất tài chính không ít sau vụ dịch này, kể cả người (53 người đã tử vong) và của (gần 1.000 tỉ đồng).

 

Cùng ngày, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1, Bộ Y tế cho biết VN đã thống kê được 890.000 phụ nữ có thai và cán bộ y tế thuộc nhóm được sử dụng văcxin ngừa cúm A/H1N1 đầu tiên. Dự kiến chiến dịch được triển khai vào tháng 2 từ nguồn văcxin 1,2 triệu liều Arepanrix do Hãng GSK sản xuất, tài trợ cho VN thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

 

WHO sẽ xem lại cách quản lý đại dịch

 

Chiều 13-1, tiến sĩ Jean - Marc Olivé, trưởng đại diện WHO tại VN, đã có cuộc gặp gỡ với báo giới, trả lời về nghi án thổi phồng đại dịch cúm A/H1N1. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc WHO có tiến hành cuộc điều tra nội bộ về thông tin một số chuyên gia trong Nhóm tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO đã nhận tài trợ hoặc lương từ các hãng dược phẩm, ông Olivé xin từ chối trả lời câu hỏi này vì “được phân công nhiệm vụ tại VN, nên chỉ có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến VN”.

 

Cũng theo ông Olivé, chính phủ các nước không sản xuất được thuốc và văcxin, WHO cũng không sản xuất được, vì thế WHO hỗ trợ các hãng dược để họ đẩy nhanh quá trình sản xuất sản phẩm điều trị cúm A/H1N1. SAGE là nhóm chuyên gia tư vấn cho WHO về lĩnh vực văcxin, các thành viên phải ký cam kết về xung đột quyền lợi, không nhận lương từ hãng dược.

 

“Sau đại dịch, một việc không thể thiếu là WHO sẽ xem lại cách quản lý đại dịch” - ông Olivé nhấn mạnh.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=325
Quay lên trên