Giải pháp hạn chế án giết người và cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội:

Chủ động giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân

Cập nhật: 17-02-2020 | 09:36:26

Đó là một trong các giải pháp mà Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề ra nhằm kéo giảm các vụ án đang có chiều hướng gia tăng hiện nay. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khi lượng người lao động về Bình Dương sinh sống và làm việc ngày càng tăng, kéo theo áp lực về an ninh trật tự (ANTT), đặc biệt là các mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, vì thế công tác phát hiện mâu thuẫn và hòa giải ngay từ cơ sở là rất quan trọng.


Công an phường Bình Hòa (TP.Thuận An) tăng cường tuần tra, tuyên truyền pháp luật nhằm hạn chế các vụ mâu thuẫn do nguyên nhân xã hội. Ảnh: THANH QUANG

“Nóng” tình trạng nói chuyện bằng bạo lực

Liên tiếp những ngày qua trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng loạt vụ giết người, cố ý gây thương tích vì nguyên nhân xã hội. Theo thông tin ban đầu, một số vụ việc bắt đầu từ những lý do hết sức.... lãng xẹt. Điển hình như vụ đối tượng Phạm Tuấn Hùng (tên thường gọi là Mạnh, 40 tuổi, quê Đồng Nai) có hành vi “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. Nạn nhân tử vong là ông Nguyễn Minh Kh. (40 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát).

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 21 giờ ngày 7-2, anh Lê Văn Cương (quê Hà Tĩnh) có tổ chức sinh nhật tại nhà riêng nên đã rủ ông Kh. đến ăn nhậu. Đến rạng sáng 8-2, ông Kh. rủ cả nhóm bạn đến quán karaoke ở phường Mỹ Phước để hát và uống bia và có một tiếp viên nữ rót bia. Sau khi hát xong, ông Kh. và bạn hát xong thì xuống quầy lễ tân để tính tiền. Do mâu thuẫn trong việc trả tiền cho người phục vụ nên ông Kh. bị một nhân viên của quán đánh vào mặt. Mặc dù không liên can nhưng thấy vậy, Hùng khi đó đang tính tiền, cũng gây chuyện với ông Kh. Cả hai đã được can ngăn nhưng khi thấy ông Kh. đang đi về hướng ô tô của bạn, Hùng lao đến tung cước khiến ông Kh. bất tỉnh. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh để cấp cứu nhưng tử vong tại bệnh viện.

Trước đó, Công an TX.Tân Uyên cũng đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1977, thường trú TP.Cần Thơ) để điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 3-2, Hồng điều khiển xe máy đến quán ăn ở phường Khánh Bình thì gặp Phạm Văn T. Hồng dừng xe gọi T. để nói chuyện về việc Hồng đã cho T. vay tiền. Chỉ một lúc sau, 2 bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Hồng vung tay đấm vào mặt làm T. ngã xuống đường. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đến ngày 6-2 thì tử vong.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho rằng qua một số vụ án giết người và cố ý gây thương tích trong thời gian gần đây có thể thấy rằng đối tượng ra tay chỉ do bộc phát nhất thời và không ngờ hậu quả gây ra là quá lớn. Chỉ vì những mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt nhưng những người trong cuộc không xử lý được dẫn đến chết người chỉ vì một cú đá, một cú đấm... Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng nói chuyện bằng bạo lực như hiện nay.

Giải pháp

Mặc dù thời gian qua các cấp chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa án giết người và cố ý gây thương tích nhưng số vụ án này vẫn còn ở mức cao. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 690 vụ phạm pháp hình sự, giảm 95 vụ, 12,1% so với cùng kỳ, tuy nhiên số vụ án giết người và cố ý gây thương tích lại tăng 11 vụ so với cùng kỳ. Cụ thể: Xảy ra 156 vụ án giết người và cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, khiến 60 người chết, bị thương 153 người. Các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ 145 vụ, bắt, khởi tố, điều tra 225 đối tượng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, các vụ án giết người và cố ý gây thương tích tăng do Bình Dương hiện đang thu hút lượng người lao động từ các nơi về làm việc. Trong quá trình làm việc, sinh hoạt không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, nếu không giải quyết khéo léo sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các loại văn hóa phẩm bạo lực; do áp lực của cuộc sống đô thị ảnh hưởng không ít đến lối suy nghĩ, lối sống của đối tượng thanh thiếu niên. Loại tội phạm này xuất phát từ sinh hoạt, giao tiếp, từ những chuyện đơn giản như bất đồng quan điểm, ghen tuông, sử dụng rượu, bia... nên gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đặc biệt là phòng ngừa cá biệt.

Từ số liệu của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh thể hiện đối tượng liên quan đến những vụ án này phần lớn là trong độ tuổi lao động, có người là lao động trụ cột của gia đình. Trong năm 2019, trong số 225 đối tượng bị bắt vì liên quan đến án giết người và cố ý gây thương tích, có 83 đối tượng là công nhân; 173 đối tượng từ đủ 18 đến 35 tuổi; nam giới gây án chiếm tỷ lệ gần 92%. Trong khi đó người bị hại là công nhân và nông dân là 84 người, chiếm tỷ lệ gần 40%.

Để từng bước kéo giảm án liên quan đến giết người và cố ý gây thương tích, thời gian qua các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã thực hiện hàng loạt giải pháp, trong đó lực lượng công an có vai trò chủ công.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng, nhất là công an cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) chủ động thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các mô hình tổ chức trị an tại cơ sở đề ra nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực; lựa chọn các nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn, khu dân cư, lứa tuổi, loại đối tượng. Tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức trong gia đình, khu, ấp; nhân rộng, làm lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương biết sống vì cộng đồng, tinh thần sẵn sàng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Cung cấp tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, nguyên nhân, điều kiện xảy ra các vụ án, nhất là tác hại của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy, rượu, bia ... để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa.

Tuyên truyền ý thức tôn trọng pháp luật, tự giải quyết triệt để các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ ngay từ cơ sở; kiên quyết không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, mặt trận đoàn thể... Trong đó nòng cốt là các thành viên của MTTQ để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để từ mâu thuẫn nhỏ trở thành những mâu thuẫn lớn phát sinh tội phạm. Chủ động nắm tình hình, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với cơ quan toà án, trung tâm hòa giải, tổ hòa giải.... để phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn kéo dài, phát sinh thành tội phạm, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm xảy ra.

Trong năm 2019, trong số 225 đối tượng bị bắt vì liên quan đến án giết người và cố ý gây thương tích có 83 đối tượng là công nhân; 173 đối tượng từ đủ 18 đến 35 tuổi; nam giới gây án chiếm tỷ lệ gần 92%. Trong khi đó người bị hại là công nhân và nông dân là 84 người, chiếm tỷ lệ gần 40%.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên