Chủ động nguồn lực để phòng chống hiệu quả bệnh dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 28-05-2019 | 08:18:20

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi hôm qua (27-5), ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương không thiếu nguồn lực, quyết tâm phòng chống bệnh dịch. Các ngành, các địa phương cần có kịch bản chống bệnh dịch, dập bệnh dịch hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành kiểm tra điểm tiêu hủy số heo chết do bị bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo vừa qua. Ảnh: TIỂU MY

Chủ động nguồn lực chống bệnh dịch

Báo cáo tại hội nghị, đại diện ngành thú y cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại xã Vĩnh Hòa, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo và xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên với tổng lượng heo tiêu hủy là 1.200 con. Theo nhận định của ngành, khả năng phát tán, lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi trên diện rộng là rất cao, nhất là đối với các hộ, trại, cơ sở chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học và sử dụng thức ăn thừa. Ngay khi có bệnh dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường chỉ đạo cơ quan thú y tích cực rà soát lại tình hình chăn nuôi heo ở địa phương, giám sát chặt chẽ, kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin những trường hợp vận chuyển heo từ các tỉnh khác vào địa phương, trong đó lưu ý các tỉnh giáp ranh, tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dịch này.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương không thiếu nguồn lực, đang quyết liệt phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Vấn đề là các ngành, các địa phương cần có kịch bản chống dịch, dập dịch nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Ông yêu cầu các cấp, các ngành cần phân định nhiệm vụ cụ thể và tuân thủ phân cấp, phân quyền trong xử lý bệnh dịch để không xảy ra sự chồng chéo, đem lại hiệu quả cao trong công tác chống bệnh dịch, dập bệnh dịch.

Bên cạnh đó, ông chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh quy trình xử lý bệnh dịch; tham mưu đơn giá đền bù ngang bằng với giá thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi cho người chăn nuôi. Ông cũng yêu cầu kinh phí hỗ trợ lực lượng phải tính toán bảo đảm cho lực lượng hỗ trợ chống bệnh dịch. “Bệnh dịch tả heo châu Phi mới bắt đầu, các ngành, địa phương cần nguồn lực để đối phó với dịch bệnh hiệu quả. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống bệnh dịch để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, tránh thiệt hại lớn ”, ông Dũng nói.

Hiện Đội kiểm tra liên ngành đang quyết liệt thực hiện phòng chống dịch bệnh động vật và an toàn thực phẩm; đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu và nhân lực cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm và chống bệnh khi bệnh dịch xảy ra. Đội cũng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi heo cho người chăn nuôi.

Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, ngay sau khi phát hiện các ổ bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, huyện đã kịp thời chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, theo dõi, xử lý và tiêu hủy đàn heo bị bệnh dịch, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan bệnh dịch đến các khu vực xung quanh. Từ ngày 19 đến 26-5, việc tiêu hủy heo chết do bệnh dịch trên địa bàn đã được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện đúng theo quy trình tiêu hủy và chôn lấp tại chỗ nhằm hạn chế việc lây lan bệnh dịch ra các khu vực lân cận trong quá trình vận chuyển. Huyện cũng đã chỉ đạo ngành thú y cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến bệnh dịch trên địa bàn, nhất là tình hình phòng chống bệnh dịch của các cơ sở chăn nuôi xung quanh khu vực có bệnh dịch xảy ra.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sở đã tham mưu và ban hành 15 văn bản hướng dẫn, kế hoạch phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi; cùng với đó đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, vật lực, an toàn sinh học… phục vụ phòng chống bệnh dịch. Ông đã yêu cầu ngành thú y xây dựng clip hướng dẫn, xây dựng kịch bản hướng dẫn phương án đối phó khi có bệnh dịch xảy ra; tăng cường tuyên truyền đến cơ sở để địa phương chủ động trong phương án xử lý. Ông cũng đề nghị lãnh đạo các huyện, thị, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị phối hợp phòng chống bệnh dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn sinh học và ngăn ngừa không cho bệnh dịch quay trở lại tại các vùng đã xảy ra bệnh dịch; quyết liệt, đồng bộ, huy động nhiều nguồn lực để giải quyết bệnh dịch.

Xây dựng kịch bản ứng phó

Theo bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, dù đã tổ chức 7 trạm chốt chặn cả đường bộ và đường thủy, lên phương án ứng phó chi tiết với bệnh dịch tả heo châu Phi, song khó khăn của địa phương hiện nay là không kiểm soát được các thương lái mua bán heo thường xuyên di chuyển từ các khu vực đã xảy ra bệnh dịch sang các địa phương khác, gây nguy cơ lây lan mầm bệnh rất cao. Trên địa bàn huyện đường giao thông phát triển rộng khắp, do đó khi phát hiện ổ dịch, việc chốt chặn, xử lý, kiểm soát ra vào vùng dịch rất khó, trong khi đó lực lượng chức năng cũng còn mỏng…

Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6, đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương đối với công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi, sự vào cuộc quyết liệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian vừa qua. Ông nhấn mạnh, dưới góc độ người tiêu dùng, các cấp, các ngành cần tuyên truyền rõ việc không đáng lo ngại về sức khỏe khi có bệnh dịch tả heo châu Phi vì bệnh không lây lan qua người. Đối với góc độ chăn nuôi, cần khuyến cáo đến người chăn nuôi đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm hơn rất nhiều so với dịch lở mồm long móng và những bệnh khác vì không có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng tránh. Các cấp, các ngành chức năng cần tuyên truyền cho người chăn nuôi kiểm soát mầm bệnh, khử độc tiêu trùng.

Ông Lữu cũng đánh giá, tốc độ lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi rất nhanh nên địa phương cần phải có phương án khống chế bệnh. Đặc biệt, với những địa bàn có người ngoài tỉnh đến sinh sống lớn phải làm triệt để công tác cách ly mầm bệnh. Ông đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương phải chủ động nguồn nhân lực tiêu hủy, tác chiến trong chống bệnh dịch, dập bệnh dịch. “Địa phương và các hộ chăn nuôi cần có sự ứng phó cân sức trong mặt trận này. Đặc biệt, cần tuyên truyền người chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi trong tình hình dịch bệnh. Đối với ngành chăn nuôi, cần đánh giá tình hình bệnh dịch, chỉ đạo rõ từng kịch bản cho các địa phương; đồng thời ứng phó một cách cân sức với bệnh dịch; phải có lực lượng tại chỗ chuyên nghiệp để ứng phó. Mỗi một xã phải có một đội chống bệnh dịch chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ về vật chất, phương tiện để phòng chống bệnh dịch hiệu quả”, ông Lữu nói.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, đề nghị trong trường hợp bệnh dịch lan rộng, việc tiêu hủy, khử trùng, khử độc cần phải bảo đảm theo đúng hướng dẫn, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Các ngành liên quan, địa phương cần lên phương án xử lý cả vật tư thừa tại trang trại sau khi tiêu hủy heo để bảo đảm không lây nhiễm bệnh; xây dựng kịch bản tiêu hủy trong trường hợp những trang trại lớn bị nhiễm bệnh dịch nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và ngăn ngừa bệnh dịch phát tán.

Theo số liệu từ cơ quan thú y, toàn tỉnh có gần 833.000 con heo, trong đó chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 88,24% tổng đàn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 11,76% tổng đàn. Toàn tỉnh có 140 trang trại chăn nuôi công nghệ cao với số lượng 460.224 con heo.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên