Chủ động nguồn nguyên liệu để ổn định và phát triển sản xuất

Cập nhật: 11-02-2020 | 08:25:25

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV) đang tác động đến nhiều ngành sản xuất như dệt may, da giày, gỗ… của tỉnh do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngành công thương đang theo dõi sát diễn biến tình hình, cùng với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp gỡ khó.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Gỗ An Khang (TX.Tân Uyên) Ảnh: TIỂU MY

 Khó khăn không thể tránh khỏi

Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, qua nắm bắt tình hình các doanh nghiệp trong ngành cho thấy dịch bệnh nCoV tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp thành viên do phụ thuộc nguyên phụ liệu từ phía Trung Quốc. Trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu nhập khẩu từ vùng dịch đều bị cách ly 14 ngày. Các doanh nghiệp cũng lo nếu dừng sản xuất, họ phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của Luật Lao động hiện hành... Cùng với việc khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh nhằm tránh lây lan, nếu dịch bệnh kéo dài Nhà nước nên cân nhắc đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, cho biết trong bức tranh chung do tác động của dịch bệnh nCoV, ngành da giày cũng chịu ảnh hưởng. Khảo sát cho thấy hiện nguyên liệu trong kho của các doanh nghiệp thành viên chỉ đáp ứng sản xuất trong một thời gian nữa. Hiện nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chiếm 20% nguyên liệu của ngành giày da. “Các doanh nghiệp đang tìm hướng thay thế nhưng chỉ đáp ứng được một phần. Riêng nguyên liệu giả da, PU, nguyên phụ liệu rõ ràng thị trường Trung Quốc vẫn là lợi thế lớn nhất. Các giải pháp cũng chỉ mang tính chất ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay. Thêm vào đó, một số chuyên gia trong ngành giày da chưa thể trở lại Việt Nam cũng là một điều rất nan giải cho doanh nghiệp trong ngành”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng các doanh nghiệp gỗ cũng bị tác động từ dịch bệnh. Thời điểm này, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất gỗ gần hết, nhất là nguyên vật liệu hỗ trợ. Việc tìm kiếm nguồn cung thay thế không dễ, vì thế ngành mong muốn Nhà nước cần có chính sách đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dịch bệnh nCoV tác động sâu rộng đến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước như dệt may, da giày, linh kiện điện tử... do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Những tác động này có thể đến từ việc các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động cầm chừng hoặc do điều kiện thông quan khu vực biên giới gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tác động từ các thị trường xuất khẩu cũng cần được lưu ý xem xét, trước tiên là thị trường Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết mặc dù Cửa khẩu Hữu Nghị mở cửa trở lại từ ngày 3-2 nhưng do kiểm dịch ngặt nghèo nên việc thông quan hàng hóa chưa được nhiều. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tâm lý e ngại của lái xe khi phải cách ly 14 ngày sau khi vận chuyển hàng qua cửa khẩu. Bộ Công thương đã trao đổi với Bộ Y tế một mặt quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch bênh lây lan, mặt khác các biện pháp cần triển khai đúng mức cần thiết, không gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho hay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa bảo đảm chống dịch vừa không để suy giảm tăng trưởng kinh tế, Bộ Công thương đang tiếp tục triển khai các biện pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất tăng trưởng. Sở Công thương đã nắm bắt được tình hình khó khăn của doanh nghiệp, ngành hàng.

Tuy nhiên, đây là tình hình chung của cả nước. Ngành công thương mong muốn các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế, vượt qua khó khăn, thách thức. Trong trường hợp có những đề xuất cấp bách đến tỉnh và Bộ Công thương, sở sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp.

 Tại hội nghị với 21 ngân hàng thương mại về việc triển khai các giải pháp cụ thể, phối hợp tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh nCoV, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản và xử lý nghiêm nếu ngân hàng nào trục lợi khi toàn hệ thống vào cuộc phòng chống dịch bệnh nCoV. Các tổ chức tín dụng chủ động phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng chương trình hành động, giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nCoV gây ra trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng thực hiện các giải pháp như: Cơ cấu lại nợ, xem xét thực hiện miễn giảm lãi suất, chi phí cho khách hàng trên cơ sở cân đối khả năng tài chính; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bị thiệt hại do dịch bệnh nCoV...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên