Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông – xuân

Cập nhật: 07-01-2020 | 10:02:55

Thời tiết giao mùa thường có sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng vì thế cũng gia tăng, đặc biệt là đối với những người có sức đề kháng và sức khỏe yếu như người già, trẻ con, người có bệnh mãn tính...


Với những bệnh có vắc xin, người dân cần chủ động tiêm ngừa để chủ động phòng bệnh hiệu quả

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh, vi khuẩn, vi rút phát triển và lây truyền. Những người có sức khỏe yếu, trẻ em có sức đề kháng giảm không thích nghi kịp với sự thay đổi nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Với những người mắc bệnh mãn tính, đây cũng là thời điểm bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp nguy hiểm. Đây được xem là thời điểm phát triển của những bệnh tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa như viêm phế quản, viêm phổi, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu, liên cầu lợn... Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại gia tăng, các lễ hội tập trung đông người là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Việc phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân phải luôn quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình. Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, bác sĩ Hà cho biết Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các công tác phòng chống. Các đơn vị y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, giúp người dân thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân… Cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tăng cường truyền thông trực tiếp tại các nơi tập trung đông dân cư như: Chợ, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà trọ để người dân nắm bắt và cùng tham gia thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, trong việc phòng chống dịch bệnh quan trọng vẫn là ý thức người dân. Đối với người dân, điều bác sĩ Hà lưu ý đầu tiên là cần thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…). Bên cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời. Khi ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp (như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...). Bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng... Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên