Chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1

Cập nhật: 02-03-2012 | 00:00:00

Hiện nay, dịch cúm gia cầm và cúm A /H5N1 đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta. Theo thông báo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2012 đến nay, trên cả nước có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có dịch cúm gia cầm, gồm: Quảng Trị, Quảng Nam, Kiên Giang, Sóc Trăng,  Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh.

 

Cơ quan hữu quan lấy mẫu xét nghiệm người nhà ông Trần Đình Hậu  Ảnh: Cao Sơn

Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương vừa qua đã lấy 9 mẫu huyết thanh được lấy tại TX.TDM (khu vực bệnh nhân Sơn tạm trú, nơi đã phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N1) đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5N1. Do đó, bước đầu có thể khẳng định, việc xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Dương là không có cơ sở.

Cục Y tế dự phòng đã có thông báo chính thức về trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 của bệnh nhân Trương Phú Sơn (22 tuổi, quê Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), hiện cư trú tại phường Phú Lợi, TX.TDM và làm việc tại Nha khoa Tương Lai (TX Dĩ An).

Trước khi nhiễm bệnh, bệnh nhân này có về quê ăn tết rồi trở lại Bình Dương làm việc, đến ngày 17-2, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, khó thở và được đưa đến Phòng khám Đa khoa Vũ Cao (TX.Dĩ An) khám và điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình của bệnh nhân không giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Quân đoàn 4 tiếp tục điều trị. Ngày 24-2, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cho kết quả dương tính được với vi-rút cúm A/H5N1. Đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử tham gia giết mổ, ăn thịt và tiết canh vịt.

Cho đến thời điểm hiện nay, cả nước đã phát hiện 3 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Hiện là thời điểm thời tiết thuận lợi để vi-rút này phát triển.

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, cúm A/H5N1 là bệnh rất dễ lây lan thành dịch, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần có những giải pháp dự phòng tích cực.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễn và vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, vi-rút cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc trung gian qua thực phẩm chế biến từ gia cầm bị bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ gia cầm nhiễm bệnh...

Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người trước tình hình dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, bùng phát tại nhiều tỉnh thành, ngành y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp: không giết, mổ gia cầm ốm, chết và gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ; khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Bệnh cúm A/H5N1 ở người hay còn gọi là bệnh cúm gia cầm ở người là một loại dịch bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, vì đặc thù của vi-rút cúm luôn biến đổi để hình thành type vi-rút mới, nguy hiểm hơn và có khả năng lây từ động vật sang người. Tuy thời gian qua, bệnh đã tạm lắng nhưng nguy cơ dịch cúm gia cầm trên người có thể bùng phát mạnh trở lại và rất dễ xảy ra. Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh để có cách phòng tránh hiệu quả, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh).

- Bệnh cúm A/H5N1 ở người là gì, thưa bác sĩ?

- Cúm A/H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của vi-rút cúm gia cầm. Bệnh cúm gia cầm là một loại

vi-rút được gây ra qua sự tiếp xúc kín với chim bị nhiễm, chúng không thể lây từ người qua người. Hiện có 15 chủng khác nhau của vi-rút cúm - nhưng chỉ có chủng vi-rút H5N1 là một loại gây bệnh cho người. Con người bình thường không có hàng rào miễn dịch để chống lại nó. Chính vì thế, khi có điều kiện xâm nhập vào cơ thể người (do người tiếp xúc rất gần gũi, ăn thịt hay trứng gia cầm có mang H5N1...) thì chúng sẽ gây bệnh cúm A/H5N1 ở người.

- Xin bác sĩ cho biết, đối tượng nào dễ bị lây nhiễm vi-rút cúm gia cầm?

- Đối tượng dễ bị lây nhiễm vi-rút cúm gia cầm (A/H5N1) từ gia cầm sang người hoặc từ gia cầm sang gia cầm, thứ nhất là người chăn nuôi gia cầm, thứ hai là những người vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm, bởi vì những đối tượng này thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, tiếp xúc với nhiều nguồn gia cầm khác nhau, trong số gia cầm này có những gia cầm mang mầm bệnh hoặc mắc bệnh do đó có thể truyền vi-rút từ gia cầm sang người; thứ ba những người sử dụng thịt gia cầm chết, bệnh hoặc sử dụng thịt gia cầm chưa nấu chín (tiết canh, la-cốt...) thì đây là những đối tượng nguy cơ cao có thể lây nhiễm vi-rút cúm gia cầm.

- Để phòng ngừa bệnh cúm A/H5N1 ở người, mọi người cần phải làm gì, thưa bác sĩ?

- Giữ cho nhà ở và nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, làm vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên tẩy uế chuồng trại gia súc gia cầm (nếu có); vệ sinh cá nhân hàng ngày, không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật mắc bệnh; sử dụng nước sát khuẩn hàng ngày như súc miệng bằng nước muối pha loãng, nước tỏi...; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh; khi cần thiết phải tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ áo; rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc; tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống và nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý và luyện tập TDTT rèn luyện cơ thể; khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị.

T.P (thực hiện)

T.Phương

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên