Chủ động phòng tránh sự cố trong mùa mưa

Cập nhật: 23-07-2014 | 00:00:00

Từ nhiều tháng qua, các ngành điện lực, giao thông, cấp thoát nước, công trình đô thị… trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm tra, cải tạo mạng lưới dây dẫn điện, cắt tỉa cây xanh, nạo vét khơi thông dòng chảy, bổ sung nắp cống rãnh…. nhằm chủ động ngăn ngừa, phòng tránh những sự cố bất ngờ có thể xảy ra khi bước vào mùa mưa bão. Đây là việc làm cần thiết, bởi sự cố xuất hiện thường bất ngờ, song những bất trắc trong mùa mưa lại có nét riêng, rất cần lưu tâm cẩn trọng.

Không thể chủ quan, khinh suất với tình trạng cây xanh ngã đổ, câu móc dây dẫn điện rò rỉ thiếu an toàn, đò ngang chở đầy khách sang sông, lọt cống, sụp hố ga… Chính vì vậy, ngành chức năng, các địa phương và người dân trên từng địa bàn cần quan tâm kiểm tra, nâng cao ý thức cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm giảm tai họa cho bản thân và cho cả cộng đồng.

Mùa mưa khi phải lưu thông trên đoạn đường ngập nước, xem ra ai cũng thường trực nỗi lo âu, lỡ sụp “ổ gà” còn đỡ, chứ như sụp nhằm hố ga, miệng cống đã bị kẻ gian lấy mất nắp thì dễ… thiệt thân! Gió mạnh trước mỗi trận mưa giông thường làm cây xanh, trụ điện, bảng quảng cáo cao chót vót nghiêng… dễ ngã sập đè nhà cửa, người đi đường; đó là chưa kể gió giật tung những “vật thể lạ” như tole, gỗ, ván... từ những công trình tầng cao đang xây dựng bỗng dưng bay xuống cũng là nỗi kinh hoàng thấp thỏm! Các bến đò ngang đâu đó vẫn còn chủ quan khinh suất, không tuân thủ nghiêm quy định buộc khách sang sông phải mặc áo phao, lại tranh thủ lên hàng hóa, xe, người... đầy khẳm, mà thoạt nhìn qua lòng đã bất an! Lường trước những “tai bay vạ gió” có thể bất ngờ ập xuống, các địa phương, ngành chức năng liên quan cần tăng cường việc quản lý, thường xuyên kiểm tra và liên tục… kiểm tra. Xác định rõ trách nhiệm quản lý không chỉ là nâng vị thế của ngành, đơn vị chủ quản mà còn đặt ra yêu cầu cao về tăng cường giám sát, cần kiểm tra chu đáo phần việc của các cấp, ngành nhằm bảo đảm quy trình kỹ thuật an toàn, bảo vệ người dân.

Nghĩ cho cùng, khi xảy ra những sự cố gây bất an cho đời sống cộng đồng thì trước hết phần lỗi này thuộc về vai trò của quản lý nhà nước; bởi vì, các ngành chức năng đã được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý xã hội cụ thể, với quyền lực rất cụ thể, đó là quyền được thanh kiểm tra, xử phạt, chế tài các đơn vị, cá nhân… liên quan đến sự tắc trách, cẩu thả hay vi phạm pháp luật. Chính vì thế, khi có sự cố rủi ro thì chính ngành quản lý đó phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Không thể biện minh, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ ai; đặc biệt càng không thể giữ thái độ im lặng, bàng quan trước thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân do sự cố gây ra. Hiện nay, dư luận xã hội đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm quản lý, họ hiểu rằng: “Khi xảy ra sự cố thì những người, đơn vị có trách nhiệm sẽ phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm”.

 

 THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=510
Quay lên trên