Chữ “hiếu” thời nay

Cập nhật: 12-08-2011 | 00:00:00

Ca dao có câu: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng”, thời phong kiến, người ta quan niệm con cái thể hiện sự phước đức của ông bà, cha mẹ. Đặc biệt, đến thời đại chúng ta, do chuẩn mực mô hình gia đình nhỏ, mỗi đôi vợ chồng chỉ có từ 1- 2 con nên con cháu được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Và với quan niệm hy sinh tất cả cho con, cha mẹ chỉ mong mỏi con cái nên người, thành lập gia thất là đã mãn nguyện. Và cứ thế, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Theo quy luật: nước mắt, hay nước sông, suối gì cũng chảy xuôi. Và chính vì quan niệm này, nên các thế hệ sau quen được cưng chiều, thụ hưởng. Nên câu: “Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” của ông bà xưa ngày càng đúng hơn.

Ngọc D. ở TX.TDM, nửa cười nửa mếu: “Con mình được học bổng du học từ năm lớp 10. Nhưng sang năm lớp 11, mình phải tự túc học phí. Đến năm lớp 12, thì hết khả năng. Chắc cũng cố vay mượn cho nó vào đại học. Mình giao kèo với nó: “Cha mẹ cố hết sức lo cho con. Nhưng sau này con phải lo cho em con du học”. Nhưng nó vô tư bảo: “Con còn phải lấy chồng, rồi lo cho gia đình riêng của con nữa mà...”. Thiệt là tôi cũng bó tay với nó luôn!

Trần Thị N. ở TX.Dĩ An, hơn một lần sám hối về cái chết của đứa con trai: “Vợ chồng mình ly dị, con trai bỏ nhà đi, kết bạn bè, hút chích và nhiễm HIV/AISD.  Trước khi chết, nó trăn trối: “Con không thể báo hiếu cho mẹ!”. Tôi cũng nói với con: “Mẹ cũng có lỗi đã không dạy con về chữ hiếu, đã để gia đình đổ vỡ. Và tội lớn nhất của mẹ là đã không dạy con làm người tốt, có ích cho xã hội. Để con bệnh hiểm nghèo, bị mọi người kỳ thị...”.

Tôi đồng cảm với bạn. Trong xã hội không ít người đã sai lầm, lệch lạc trong giáo dục con giống như bạn. Chúng ta không phê phán đức hy sinh cho đi mà không cần nhận lại của ông bà, cha mẹ. Vì chính lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, nên mới có những mùa lễ Vu lan báo hiếu long trọng ngày nay.  Song các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con cái về chữ hiếu ngay từ nhỏ. Không phải chúng ta kể công với con, nhưng chính vì con cái là tương lai, là tuổi già hạnh phúc hay bất hạnh của cha mẹ. Và quan trọng là chúng ta phải giáo dục những đứa con có tình cảm lành mạnh, trước khi là một người có ích cho xã hội. Xã hội không mong đợi gì ở một đứa con bất hiếu. Xã hội sẽ lành mạnh nếu từng tế bào mạnh khỏe. Bên cạnh đó, nhà trường, xã hội cũng cần lồng ghép giáo dục nhiều hơn về chữ hiếu. Cần nói rõ với thế hệ trẻ là một năm không chỉ có một mùa Vu lan. Và cần phải báo hiếu ngay, vì ông bà, cha mẹ như chuối chín cây... không còn mấy thời gian để chờ đợi.

Bảo Anh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên