Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực - Bài 1

Cập nhật: 17-08-2018 | 07:43:09

 LTS: Cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng như một tấm gương của một con người kiên trung đi suốt cuộc cách mạng của Việt Nam từ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Trải qua những gian lao, đau khổ người công nhân Ba Son ấy, người Chủ tịch nước ấy luôn luôn toát lên một tinh thần yêu nước đến cùng, một tinh thần đoàn kết ái hữu giai cấp, quốc tế cộng sản, một tính nhân văn tự nhiên, sâu sắc hiếm có. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 20.8.2018), Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu những nét cơ bản về chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi cũng như đóng góp vô cùng lớn lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của nhân dân, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.               

Bài 1: Hiến dâng cả đời cho sự nghiệp cách mạng

 Hơn 60 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào, hiến dâng cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.

 Thời thanh niên sôi nổi

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị, đều là những nông dân cần cù, hiền lành, chất phác. Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng cùng một em trai và hai em gái. Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Tuấn Kiều… đã in sâu trong tâm hồn Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên (năm 1906), năm 1907 Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho đồng chí Tôn Đức Thắng ngày 19-8-1958. Ảnh: TƯ LIỆU

Vốn thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhận ra sức mạnh và những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng, càng giúp Tôn Đức Thắng thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, cho dân tộc và giai cấp công nhân.

Năm 1909, Tôn Đức Thắng tham gia vận động anh em học sinh lính thủy bãi khóa. Năm 1910, tham gia vận động anh chị em công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà ở Sài Gòn chống bọn chủ, cai, đánh đập vô lý và đòi tăng lương. Năm 1912, tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Cơ khí Á châu (trường Bá nghệ Sài Gòn) bãi khóa. Thắng lợi của cuộc đấu tranh bãi công đó đã tiếp thêm niềm tin cho Tôn Đức Thắng vào sức mạnh của giai cấp công nhân và đem lại những kinh nghiệm bước đầu trong việc vận động đoàn kết, tập hợp công nhân chống lại bọn tư bản thực dân.

Năm 1915, Tôn Đức Thắng vào học trường Cơ khí Á châu ở Sài Gòn. Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm Phơ-răng-xơ (France). Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở biển Đen vào ngày 20-4-1919 và sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp. Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn - hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân nước ta từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Tháng 8-1925, Tôn Đức Thắng cùng Công hội đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son giành được thắng lợi. Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (một tổ chức tiền thân của Đảng ta); cũng trong năm đó, đồng chí được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Tháng 7-1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, tháng 7-1930, bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, đồng chí đã tham gia vận động thành lập Chi bộ Cộng sản nhà tù Côn Đảo và là một trong những chi ủy viên đầu tiên.

Đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng

Ngày 23-9-1945, từ Côn Đảo trở về đến ngày 15-10-1945, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, phụ trách Ủy ban Kháng chiến, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam bộ. Tháng 12-1945, Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và các Khu 7, 8, 9 được thành lập, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức hậu cần. Ngày 6-1- 1946, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I. Tháng 2-1946, được điều động ra Hà Nội để cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc; ngày 16-4-1946, được cử làm Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội sang thăm Pháp. Tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập, đồng chí được bầu là Phó Hội trưởng. Ngày 28-10-1946, đồng chí được bầu làm Trưởng đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I và kết thúc kỳ họp, được bầu là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ngày 30-4-1947, được giao đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng đến ngày 25-7-1947, đồng chí đã xin từ chức, nhường chức vụ trên cho các nhân sĩ yêu nước. Ngày 4-8-1947, đồng chí được bầu làm Thanh tra đặc biệt toàn quốc. Tháng 1-1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã bầu bổ sung đồng chí Tôn Đức Thắng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cùng năm, đồng chí được cử làm Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc; Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ngày 17-5-1950, Hội hữu nghị Việt - Xô được thành lập, đồng chí được bầu làm Chủ tịch hội. Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; tháng 3-1951, tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Tháng 9-1955, đồng chí được phân công giữ chức vụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đầu năm 1957, đồng chí được cử làm Trưởng ban chỉ đạo thanh toán nạn mù chữ Trung ương. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-9-1969, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, được Đảng, Nhà nước ta trao tặng Huân chương Đại đoàn kết; được Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Mông Cổ, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba trao tặng Huân chương Hữu nghị Cu Ba, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao nhất của Liên Xô… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài 2: Những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

ĐÌNH HẬU (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên