Chung tay gỡ khó... cho công nhân lao động

Cập nhật: 29-09-2011 | 00:00:00

Tại buổi tọa đàm với lãnh đạo tỉnh mới đây, đại diện công nhân lao động (CNLĐ) nhiều công ty trên địa bàn đã bộc bạch những khó khăn, bất cập hiện nay của mình. Qua đó, có những kiến nghị đến ngành chức năng hỗ trợ, chia sẻ để CNLĐ vượt qua những vất vả trong thời điểm khó khăn hiện nay. Giá tiền phòng, tiền điện và sự phức tạp về an ninh trật tự... là những vấn đề được CNLĐ quan tâm nhất.

Vẫn chưa an lòng

Anh Nguyễn Xuân Thiện, đại diện Công ty TNHH Phồn Vinh (xã Tân Hiệp, Tân Uyên) cho biết: “Gần khu vực công ty tôi, mỗi khi có tin đồn tăng lương là lập tức các chủ nhà trọ tăng giá phòng”. Cùng bức xúc về giá điện, anh Hải, Chủ tịch Công đoàn KCN Nam Tân Uyên nói, giá tiền điện tại các phòng trọ công nhân hiện lên tới 3.000 đồng/kWh và đồng hồ công-tơ điện lại còn đo chưa chính xác. Anh em công nhân thường xuyên đi làm cả ngày, thậm chí còn tăng ca đêm, vậy mà hàng tháng vẫn phải trả số tiền điện lên tới 300.000 - 400.000 đồng/phòng. “Hiện nay, mức lương cơ bản của Nhà nước không theo kịp giá cả thị trường. Việc tăng lương giống như một cuộc “đuổi - chạy”, từ đầu năm đến nay lương đã tăng 2 lần nhưng rồi cứ điệp khúc lương tăng, giá cũng tăng. Đời sống CNLĐ khó khăn, muốn người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì trước hết công nhân cũng phải sống được”, một cán bộ công đoàn khác bức xúc. Trong khi đó, đến tháng 10 mới có quyết định của Chính phủ về việc tăng lương cho CNLĐ, nhưng giá cả phòng trọ, tiền điện đã rục rịch tăng từ những tháng trước.

  Thiếu chỗ gửi trẻ, nhiều công nhân lao động không yên tâm trong khi làm việc

Không chỉ giá điện, vấn đề nhà trẻ cho con em người lao động cũng đang thiếu trầm trọng. Là tỉnh có số lao động nhập cư lớn, lượng CNLĐ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và có con nhỏ nhiều nhưng số cơ sở giữ trẻ công lập và tư thục không đáp ứng được nhu cầu, vì thế nhiều người phải gửi con ở những điểm tư nhân không giấy phép. Hơn nữa, việc gửi trẻ vào các điểm công lập lại lằng nhằng với những thủ tục nhiêu khê. Anh Đặng Bình An, đại diện CNLĐ Công ty PMA than thở: “Cả hai vợ chồng tôi thường xuyên phải tăng ca đến tối nhưng con nhỏ chẳng có ai đưa đón, kinh tế gia đình thì gặp khó khăn, cha mẹ lại già yếu nên tôi rất cần công ty tạo điều kiện hỗ trợ trong lĩnh vực này”. Giờ giấc gửi trẻ cũng là nguyên nhân quan trọng khiến CNLĐ cảm thấy khó khăn cứ chồng chất khó khăn.

Gỡ khó cho CNLĐ

Về giá điện, ông Trần Văn Rạng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo Thông tư 05 của Bộ Công Thương quy định mức giá điện với từng ngành nghề rất rõ. Giá điện của hộ nghèo là 993 đồng/kWh, 1.242 đồng/kWh ở hộ gia đình nhưng nhà trọ cho thuê với giá 3.000 đồng /kWh là vô lý, hao hụt công-tơ điện chỉ được dao động trong khoảng 5%. Vì vậy, những khu nhà trọ của CNLĐ có trường hợp trên xảy ra thì người lao động cần báo lại với CBCĐ bằng văn bản để được giải quyết triệt để. Các ban, ngành liên quan phải kiểm tra địa bàn hàng tháng, hàng quý, phải phản ánh để bảo đảm quyền lợi của CNLĐ.

Liên quan lĩnh vực tiền lương, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ là sẽ xây dựng được thang lương, bậc lương, quy chế phụ cấp bình đẳng để hòa hợp trong quan hệ lao động. Năm 2011 có 3 lần điều chỉnh mức lương cơ bản (1-1, 1-7 và 1-10). Theo đó, TX.TDM, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc khu vực I - hưởng lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng. Phú Giáo, Dầu Tiếng thuộc khu vực II - hưởng lương 1.780 đồng/tháng. Việc bán hàng giảm giá các mặt hàng thiết yếu có sự hỗ trợ của Nhà nước 10% mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ vì sự bất cập về thời gian của công nhân. Từ đây đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ kết hợp với công đoàn cơ sở giảm giá nhiều mặt hàng vào thời điểm tan ca để góp phần hỗ trợ CNLĐ.

Còn vấn đề nhà trẻ cho con em CNLĐ, bà Phạm Huệ Trang, Trưởng phòng Mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, cấp bậc mầm non là một cấp học tự nguyện. Tuy nhiên, do xu hướng phát triển chung của cả tỉnh, hàng năm, số lượng trẻ em tăng khoảng trên 9.000 trẻ là một khó khăn, thách thức lớn về cơ sở vật chất. Với số lượng đó thì hàng năm cấp bậc mầm non tỉnh phải tăng thêm 300 phòng học mới và 600 giáo viên bậc học mới đáp ứng được. Tỉnh đang khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Chia sẻ với khó khăn của CNLĐ, không chỉ có tổ chức công đoàn mà người sử dụng lao động, người lao động và cả xã hội cần phải cùng nhau nỗ lực vượt khó trên tinh thần tổ chức sản xuất và làm việc một cách có hiệu quả nhất.

THANH LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên