Chương trinh bảo vệ môi trường Bình Dương giai đoạn 2011-2015: Hiệu quả bước đầu

Cập nhật: 16-05-2013 | 00:00:00

2 năm thực hiện chương trình bảo vệ môi trường (BVMT) Bình Dương giai đoạn 2011-2015 đã có nhiều bước tiến vượt bậc, chất lượng môi trường đã được cải thiện đáng kể; ô nhiễm môi trường (ONMT) được khống chế…

Nghiên cứu sâu vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm (phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học), hầu hết các thành viên trong Ban chỉ đạo (BCĐ) BVMT đánh giá cao quy mô, tầm ảnh hưởng của chương trình. Nhờ triển khai quán triệt từ cơ sở, nên 2 năm thực hiện chương trình, các cơ quan quản lý môi trường từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt 736 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 11,7 tỷ đồng. Phần lớn các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu là xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép và thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc đang kiểm tra nguồn nước ngầm, góp phần BVMT tại nơi sản xuất

Cũng về kiểm soát ô nhiễm, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu với UBND tỉnh xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động. Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Quan trắc nước thải tự động, cho biết trong giai đoạn 1 đã chính thức triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng vào năm 2011 tại 21 khu công nghiệp (KCN) và nguồn thải có lưu lượng trên 2.000m3/ngày. Từ hiệu quả ban đầu mang lại đáng kể, ông Nguyên cho biết thêm giai đoạn 2 hiện đang tiếp tục thực hiện, dự kiến mở rộng quy mô lên 52 KCN và các nguồn nước thải có lưu lượng trên 1.000m3/ ngày. Dự án hoàn thành sẽ giám sát và quan trắc 70% lượng nước xả thải với công suất 160.000m3/ngày sẽ góp phần BVMT trong sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê, cho biết đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 87%, chất thải rắn y tế 97% và tỷ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường đạt 96,2%. Các chỉ tiêu khác như tỷ lệ dân số thành thị, nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, độ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, công nghiệp lâu năm đều đạt và có thể hoàn thành mục tiêu trong năm 2015.

Trao đổi với chúng tôi, các thành viên trong BCĐ cũng vui mừng là đến nay, Bình Dương không có cơ sở gây ONMT nghiêm trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, để BVMT và phát triển bền vững, Bình Dương cũng xây dựng các tiêu chí và chủ động lập danh sách cơ sở gây ONMT cấp tỉnh để xử lý, góp phần cải thiện chất lượng môi trường. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 13 cơ sở chưa hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm, chủ yếu các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến mủ cao su…

Công tác di dời cơ sở gây ONMT ra khỏi các khu dân cư, đô thị cũng được thực hiện quyết liệt, đến nay đã có 11 cơ sở tự chấm dứt hoạt động kinh doanh, hoàn thành việc di dời. Đội kiểm tra liên ngành đột xuất về BVMT cũng đã kiểm tra, phát hiện 61 cơ sở cố tình đối phó, né tránh xử lý và phạt 46 cơ sở vi phạm môi trường với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ phản ánh, tố cáo của cử tri. Bên cạnh đó, 26 công trình xây dựng cơ bản BVMT với tổng kinh phí 6.229 tỷ đồng cũng được các cấp, các ngành chủ động thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng mừng, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, ngăn ngừa phát sinh thêm các điểm nóng về ONMT trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía Nam để hạn chế việc khai thác, bảo vệ ngăn ngừa ô nhiễm và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất…

Rõ ràng, sau 2 năm thực hiện chương trình BVMT Bình Dương, giai đoạn 2011-2015 đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình BVMT, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định, nhận thức và hành động về BVMT của các tầng lớp nhân dân ngày càng cao. Nhờ vậy, chất lượng môi trường ngày càng cải thiện đáng kể, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT đã tạo nhiều bước tiến mới trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cái quan trọng và cấp thiết ngay từ bây giờ là các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm xã hội hóa công tác BVMT, huy động mọi nguồn lực vì sự phát triển bền vững môi trường đô thị và môi trường trong sản xuất công nghiệp.

 HUY ÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=446
Quay lên trên