Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2020: Tăng cường liên minh tổng lực, đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa

Cập nhật: 25-08-2016 | 10:10:39

Ngày 20/7/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1877/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đó, chương trình này đã nhấn mạnh vai trò “đầu tàu” của Sở Công Thương và sự phối kết hợp “vào cuộc” của toàn hệ thống chính trị làm công tác khuyến công, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của tỉnh nhà.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình Khuyến công đến năm 2020 của tỉnh Bình Dương là huy động mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn (SXSH) tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; Giảm thiểu rác thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, phát triển sản phẩm công nghiệp đặc trưng và lợi thế của tỉnh, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, sản phẩm tiêu biểu của làng nghề, nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; Đẩy mạnh công nghiệp ở khu vực nông thôn, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp, tăng mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác), tập trung đẩy mạnh công tác khuyến công về các huyện phía Bắc của tỉnh.

Nội dung cụ thể của Chương trình Khuyến công đến năm 2020:

-Tổ chức 16 lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn cho ít nhất 800 người là cán bộ phụ trách công tác khuyến công và đại diện các cơ sở CNNT; tổ chức đào tạo 16 lớp cho khoảng 640 người về nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp (DN) cho các cơ sở CNNT; tổ chức 8 đoàn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm về mô hình, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, giới thiệu công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ thành lập 16 DN trên các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của tỉnh.

-Hỗ trợ cho ít nhất 40 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng ít nhất là 4 mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến sản phẩm mới, công nghệ mới hoặc mô hình thí điểm về áp dụng SXSH; Thông tin tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, hỗ trợ đánh giá nhanh và đánh giá chi tiết SXSH cho 20 DN trên địa bàn.

-Tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận cho khoảng 50 đến 60 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; Tham gia 8 hội chợ, triển lãm trong nước và hỗ trợ 38 cơ sở CNNT tham gia; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho ít nhất 8 cơ sở CNNT.

-Hỗ trợ 8 cơ sở CNNT trong việc thuê tư vấn lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập DN; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới liên quan đến sản xuất CNNT. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.

-Thực hiện xuất bản 48.000 quyển Bản tin Công Thương; xây dựng 16 chương trình truyền hình và 80 bài báo tuyên truyền về công tác khuyến công; Đa dạng các hình thức tuyên truyền về chính sách khuyến công bằng nhiều hình thức như xây dựng 2.000 tờ rơi, tờ gấp; 2.000 quyển sổ tay khuyến công.

-Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho ít nhất 4 cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp; Hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 4 cơ sở CNNT.

-Tổ chức 8 đoàn học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công để nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công; phấn đấu duy trì hệ thống cộng tác viên khuyến công đến năm 2020 đạt 35 người.    

Kinh phí thực hiện chương trình từ kinh phí sự nghiệp kinh tế, thuộc ngân sách tỉnh dành cho các hoạt động khuyến công (do Sở Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện, dự kiến mỗi năm 4.5 tỷ đồng).

UBND tỉnh giao Sở Công Thương có nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động khuyến công theo chương trình được duyệt, làm đầu mối phối hợp với các Sở, ngành và địa phương hướng dẫn, xử lý những vướng mắc liên quan đến hoạt động khuyến công.

Sở Tài chính có nhiệm vụ bảo đảm kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khuyến công, hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công địa phương đạt hiệu quả, thiết thực.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn cấp huyện; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện công tác khuyến công đúng mục đích, hiệu quả và sử dụng kinh phí đúng quy định; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng đề án khuyến công ở địa phương. Ngoài các đề án trình Sở Công Thương thẩm định hỗ trợ kinh phí theo chương trình, UBND cấp huyện căn cứ vào khả năng nguồn ngân sách, chủ động phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ công tác khuyến công cho các cơ sở CNNT trên địa bàn.

Việc UBND tỉnh ban hành Chương trình Khuyến công địa phương đến năm 2020 là việc làm hết sức cần thiết, bảo đảm tuân thủ theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và bám sát Chương trình khuyến công quốc gia đã được ban hành. Trong đó, chương trình đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến công cũng như bố trí nguồn lực thực hiện, thể hiện sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của tỉnh, mà đối tượng thụ hưởng là DN CNNT và người dân ở các huyện vùng sâu, xa của tỉnh. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương và nhiệm vụ phối kết hợp với các ban ngành, địa phương nhằm phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong hoạt động khuyến công. Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khẳng định: Chương trình Khuyến công đến năm 2020, do UBND tỉnh ban hành là pháp lệnh, là chương trình hành động của hoạt động khuyến công. Đây cũng là “nguồn lực” nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=665
Quay lên trên