Chuyển biến từ ý thức của người tham gia giao thông

Cập nhật: 27-05-2020 | 05:21:39

Nếu như những ngày đầu năm 2020, dư luận bàn tán nhiều về Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì những hiệu quả bước đầu của nghị định này đã có hiệu quả. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong thời gian này tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng giảm, đặc biệt là tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia. Nhiều người đã cân nhắc hơn giữa số tiền phạt mà mình phải bỏ ra để đóng với việc “chơi tới bến” trên bàn tiệc!

Tuy nhiên, khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì việc lực lượng chức năng ra quân, xử lý người vi phạm lại có phần chùng xuống. Kết quả, nhiều vụ tai nạn xảy ra do đường vắng, tâm lý chủ quan của một bộ phận thanh niên. Từ đó có thể thấy rằng việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân chưa thật sự xuất phát từ ý thức, mà chủ yếu là để đối phó. Khi có lực lượng công an thì họ chấp hành nghiêm, nhưng khi vắng bóng thì vô tư vi phạm vì cố chạy theo kiểu tranh thủ. Điều đáng buồn là khi xảy ra va chạm thì lao vào ăn thua đủ với nhau khiến tình hình trên đường càng thêm phức tạp.

Để tiếp tục bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ ngày 15-5, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc triển khai tổng kiểm soát phương tiện giao thông. Đây có thể coi là một đợt cao điểm nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của thời gian trước về bảo đảm an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, số người bị thương. Một điều đáng mừng là từ ngày 15-5 đến nay, tai nạn giao thông ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung được kéo giảm. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại được đặt ra, đó là khi đợt cao điểm này qua đi thì tình hình sẽ như thế nào?

Nhiều người cho rằng, song song với các đợt cao điểm, bên cạnh công tác nghiệp vụ của lực lượng chức năng là tuần tra, xử phạt thì công tác tuyên truyền để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân là rất quan trọng. Để tránh kiểu chấp hành pháp luật như một cách đối phó thì việc tuyên truyền để người dân coi việc chấp hành pháp luật giao thông như là một nét văn hóa là cần thiết. Vì vậy công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, hướng đến các đối tượng cụ thể...

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên