Chuyện chưa kể về một nhà báo kháng chiến

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:40:27

   Ông Nguyễn Xuân Quang kể cho phóng viên nghe những kỷ niệm làm báo thời kháng chiến. Ảnh: H.THÁI

 Nhà báo là chiến sĩ

Ở cái tuổi 76, ông Nguyễn Xuân Quang trông vẫn còn khá khỏe, đôi mắt sáng tinh anh, chứng tỏ trí tuệ ông vẫn còn minh mẫn như thuở còn trai trẻ. Khi được chúng tôi hỏi về một thời làm báo trong kháng chiến chống Mỹ, đôi mắt ông bừng sáng, những ký ức về một thời làm báo trên chiến trường năm xưa gian lao mà anh dũng vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ông kể thật mạch lạc, khúc chiết, như chuyện mới vừa xảy ra hôm qua…

Khi đất nước có chiến tranh, những người dân yêu nước sẵn sàng lên đường tham gia kháng chiến. Với ông Quang cũng vậy, ông không thể ngồi yên khi vận mệnh của đất nước đang bị đe dọa. Năm 1962 ông tham gia cách mạng và được phân công nhiệm vụ ở ngành giáo dục. Đến năm 1964 ông được tổ chức điều về Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một. Năm 1965 ông chính thức đầu quân cho Thông tấn xã, căn cứ đóng ở xã Thanh An, Dầu Tiếng. Thời đó, nhiệm vụ của Thông tấn xã là vừa đưa tin tức lên Đài Phát thanh giải phóng và Đài Phát thanh Hà Nội, vừa ra tờ báo hoặc tờ tin. Tờ báo đầu tiên của tỉnh là tờ Phú Lợi, có 8 trang, 1 tuần hoặc nửa tháng ra một lần, tùy theo điều kiện.

Nhắc lại thời tác chiến trên chiến trường, mắt ông như sáng hẳn, những kỷ niệm xưa lại ùa về trong ông và trào dâng những cảm xúc khó tả. Ông nói đầy vẻ tự hào: “Những thông tin từ chiến trường gửi về như tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta ở khắp mọi nơi thừa thắng xông lên. Để có được những bản tin nhanh, kịp thời ấy, có những phóng viên đã anh dũng nằm xuống nơi chiến trường”. Cuộc đời ông có lẽ không bao giờ quên về sự hy sinh của những đồng đội như ông Nguyễn Văn Hùng, ông Minh Châu Thiện. Đến giờ này, mỗi khi nhắc đến ông Đinh Quang Kỳ, trong tâm tưởng ông Quang vẫn còn nguyên vẹn niềm tự hào về tấm gương hy sinh anh dũng, kiên cường của đồng chí mình. Trên đường đi làm nhiệm vụ, ông Kỳ lọt vào tay giặc. Trước họng súng của kẻ thù, ông vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng. Điên tiết vì không moi được tin tức từ ông, bọn giặc tàn bạo đã bắn nát người ông. Chính sự ngã xuống của đồng chí mình, đã khiến cho những nhà báo còn lại như ông Quang càng thêm sục sôi lửa căm thù và tiếp tục dấn thân.

 Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang chia sẻ: “Trong kháng chiến, muốn làm báo phải nghiên cứu, nắm bắt tình hình thời sự, chứ không có tài liệu như bây giờ. Nhà báo chiến trường cần có tính năng động, dũng cảm để có những bài viết sống động, thuyết phục.

Trong giai đoạn hiện nay, khi báo điện tử phát triển mạnh, báo viết muốn tồn tại phải nâng chất lượng, đội ngũ làm báo cần thường xuyên trau dồi nghiệp vụ. Để được bạn đọc yêu thích, báo nên xây dựng những chuyên mục mới, hấp dẫn, thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân”.

Thời đó, phóng viên chiến trường như ông vừa làm nhiệm vụ thông tin, vừa phải tự lo cái ăn. Những khi lương thực cạn, ban đêm các phóng viên phải ra ấp chiến lược mua gạo, thức ăn. Có một sự cố mà đến giờ này mỗi khi nhắc lại, nhà báo lão thành cách mạng Nguyễn Xuân Quang vẫn không bao giờ quên. Lần đó ông về ấp chiến lược ở xã Bình Mỹ (Tân Uyên) mua lương thực, nhưng chẳng may bị địch bao vây. Song vốn thông minh, nhanh lẹ, ông không bị lọt vào tay giặc, nhưng không có cách nào thoát khỏi vòng vây của chúng. Cả ngày hôm đó ông chỉ uống một hộp sữa cầm hơi, mãi đến đêm hôm sau ông mới về được căn cứ và suýt chút nữa bị kỷ luật chiến trường.

Nhắc đến sự gian khổ, ông Quang bảo rằng không sao kể hết, có những đợt giặc bao vây, phong tỏa, cả tháng trời chỉ ăn rau rừng cầm hơi. Dù trong điều kiện vô cùng khó khăn như vậy, nhưng những người yêu nước vẫn một lòng một dạ đi theo cách mạng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đưa tin trước đài BBC

Ánh mắt nhìn xa xăm nhớ về một thời hào hùng, ông Quang kể: Thời đó, khi Tỉnh ủy mở chiến dịch ở đâu thì ê kíp làm báo di chuyển theo ban chỉ huy tiền phương ở đó. Đội gồm một người viết, một người quay máy để phát điện truyền tin, một người đánh mọt, một cơ công theo sửa máy và một bảo vệ. Do có máy truyền tin, máy bay B52 có thể phát hiện, nên bộ phận làm báo phải đóng cách xa nơi bộ đội đóng quân 5km. Ở xa như vậy không được bộ đội bảo vệ, nhưng mỗi ngày ông Quang phải có mặt để dự họp, nắm bắt tình hình thời sự.

   Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày, ông Nguyễn Xuân Quang vẫn dõi theo bước tiến của báo Bình Dương. Ảnh: H.THÁI

So với các đồng nghiệp, ông Quang có được may mắn hơn là có sức khỏe nên được tổ chức phân công làm phóng viên chiến trường nhiều nhất. Theo ông, phóng viên chiến trường phải phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo và đòi hỏi sự dũng cảm và lòng nhiệt tình. Ông nhớ lại, có lần đồng chí Hai Kiên, Thường vụ Tỉnh ủy hỏi ông có cách nào đưa tin trước đài BBC không? Ông nói, điều đó không khó, nhưng phải biết tường tận trận đánh. Từ đó, mỗi khi Tỉnh ủy mở chiến dịch là ông đều có mặt, lúc thì vùng chiến khu Đ, khi thì chiến trường Bến Cát, Châu Thành… Ra trận, nghe từng tiếng nổ, tiếng súng, biết được diễn biến trận đánh giữa ta và địch, nhờ đó ông có những bài viết thật sống động, kịp thời.

Khoảng thời gian năm 1966, những tin tức về chiến trường, ta luôn đưa trước đài BBC. Ông nhớ nhất là khi tham gia trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, địch phản kích dữ dội, bom đạn bắn suốt ngày. Mỗi khi bộ đội đánh qua và rút quân đi, ông và đồng đội lo ổn định tinh thần nhân dân, lo sản xuất, ổn định bộ máy chính quyền. Sau giải phóng Dầu Tiếng, ông về tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong ban chỉ huy tiền phương. Mỗi thời điểm một vị trí, công việc khác nhau, nhưng nhà báo Nguyễn Xuân Quang vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ do tổ chức giao. Với những đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc và nền báo chí cách mạng, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất.

Gầy dựng tờ báo Sông Bé

Sau khi thống nhất đất nước, ông được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ làm tờ báo Sông Bé. Tháng 5-1976, Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định thành lập tờ báo Sông Bé. Ông Tiêu Như Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thời đó giữ chức Chủ nhiệm kiêm Tổng Biên tập, ông Nguyễn Xuân Quang làm ủy viên ban biên tập. Ngay sau khi nhận quyết định, báo bắt đầu tuyển phóng viên. Buổi sơ khai này, báo Sông Bé tuyển được 3 người là ông Trần Hoàng, công tác ở tuyên huấn Châu Thành, cô Trang Huệ Lan (nguyên Phó Tổng biên tập báo Bình Dương sau này) và cô Phan Thị Huệ. Ngoài ra còn có những cộng tác viên thuộc loại lão làng như các ông Hoàng Đào, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu…

Số báo Sông Bé đầu tiên phát hành vào ngày 1-12-1976, in 5.000 tờ. Thời gian này 10 ngày báo phát hành 1 kỳ, đến năm 1978 phát hành báo tuần. Cũng trong năm 1978, Ban Bí thư Trung ương ra quyết định ổn định báo chí địa phương. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đề bạt ông Hà Minh Nghĩa làm Chủ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Quang làm Tổng Biên tập. Trong 2 năm 1983-1984 ông Quang được tỉnh cử đi học chính trị tại Hà Nội, sau đó trở về đảm trách cương vị cũ cho đến năm 1986.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=456
Quay lên trên