Chuyện dạy và học ở một ngôi trường

Cập nhật: 03-09-2019 | 09:20:07

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, trường THCS Nguyễn Viết Xuân có 75% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập, xếp thứ hai khối THCS ở TP.Thủ Dầu Một, trong đó 2 môn văn và toán đứng trong tốp đầu của tỉnh. Để đạt được thành tích này, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.


Học sinh trường THCS Nguyễn Viết Xuân tự tin bước vào năm học mới

Trường THCS Nguyễn Viết Xuân có trên 1.700 học sinh (HS). Đa số các em là con em lao động ngoài tỉnh, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em. Một số HS không thích học, lười suy nghĩ, không năng động trong các hoạt động học tập. Nhưng một khi các em đã vào trường này thì tương lai phải rộng mở, do đó tập thể sư phạm nhà trường đã toàn tâm toàn ý, cùng quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Võ Văn Thơ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trước tiên nhà trường chú trọng xây dựng nề nếp, trật tự trong nhà trường, kể cả HS và giáo viên. Đối với HS, với phương châm ngăn ngừa và giáo dục là chính, đầu mỗi năm học trường tổ chức cho các em học nội quy, ký cam kết thực hiện nội quy của trường, lớp. Đối với thầy cô, nhà trường nâng cao trách nhiệm và vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn HS, nghiêm khắc xử lý những em vi phạm để các em sửa chữa, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa giáo dục những em khác.

Để chất lượng giáo dục được nâng cao, trên hết vẫn là chất lượng của người thầy. Xác định chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn là quan trọng, quyết định cho chất lượng giáo dục, nhà trường đã nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn. Theo chỉ đạo của ban giám hiệu, các tổ chuyên môn triển khai các chuyên đề, như: Đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới kiểm tra đánh giá, giáo viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong soạn giảng những bài khó... Trong năm học, nhà trường còn tổ chức hội giảng, chọn cử những giáo viên có năng lực về công nghệ thông tin dạy thao giảng để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Từ đó ngày càng có nhiều giáo viên áp dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy. Thầy cô ở các tổ bộ môn còn cho biết nhận thấy kỹ năng sư phạm ảnh hưởng đến chất lượng, do vậy trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, các giáo viên đã trao đổi về kỹ năng sư phạm, góp ý giúp đỡ lẫn nhau sửa chữa những tồn tại, quyết tâm cùng nhau nâng cao chất lượng giảng dạy.

“Thực hiện đổi mới, kiểm tra đánh giá sẽ thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, góp phần đổi mới chương trình, xây dựng thái độ học tập cho HS. Trên cơ sở đó nhà trường coi trọng việc phân tích kết quả kiểm tra, qua đó giáo viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp HS biết tự đánh giá kết quả học tập để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong học tập. Đồng thời trường còn bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài thi, kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nhiệm, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình với ba cấp độ: Biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Đối tượng của người thầy là HS, nên giáo viên đã hướng dẫn HS một cách nhân văn để các em tâm phục, khẩu phục”, thầy Võ Văn Thơ đã nói như vậy.

Cùng với những biện pháp đã thực hiện như trên, ban giám hiệu còn khích lệ tinh thần thầy trò đạt thành tích giáo viên giỏi các cấp, có công bồi dưỡng HS giỏi và HS giỏi các cấp. Việc khen thưởng đúng lúc, dù phần thưởng không lớn nhưng có tác dụng thiết thực, từ đó giúp cho phong trào dạy và học của trường ngày càng có chất lượng và hiệu quả.

 HOÀNG KIM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên