Chuyển đổi số, cơ hội để phát triển

Cập nhật: 08-04-2021 | 07:27:50

Kỳ 1: Xu thế tất yếu

Dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thời kỳ hậu Covid-19 sẽ mang lại cơ hội vàng cho phát triển thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Để tận dụng được cơ hội, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tạo ra cú hích cho phát triển.

Bắt nhịp thị trường

Trong khi tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, TMĐT được đánh giá như một “điểm sáng” với tốc độ tăng trưởng cao. Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc bán hàng qua các sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình. Từ đó đưa hàng xuất khẩu, mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư. TMĐT xuyên biên giới đang trở thành phương thức hữu hiệu để DN Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để hàng hóa Bình Dương kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu rất cần giải pháp mang tính đòn bẩy. Trong đó, TMĐT là vấn đề mấu chốt mà các DN phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng tất yếu này.

Các DN gốm sứ, thủ công mỹ nghệ đang nghiên cứu, lựa chọn những mô hình chợ ảo tại một hội thảo

Năm 2020, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, song Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,78%; GRDP bình quân đầu người đạt tương đương 6.500 đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, chiếm hơn 96%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch nhập khẩu đạt 21,5 tỷ đô la Mỹ; thặng dư thương mại đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã bắt được nhịp của thị trường, nhanh chóng đẩy mạnh phát triển TMĐT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, những tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2020. Các sản phẩm chủ yếu của ngành bị chững lại, đặc biệt là sản phẩm gỗ khai thác do chuỗi tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ của các DN bị gián đoạn. Trong bối cảnh khó khăn, các DN, doanh nhân trong toàn ngành đã sáng tạo liên tục, nghiên cứu thay đổi nhiều phương thức và hình thức tiếp thị, bán hàng để mở rộng thị trường. Thay vì chỉ biết đến qua các kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng qua các hội chợ, các DN đã nhanh chóng chủ động chuyển sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm. Các DN thúc đẩy kết nối online mạnh hơn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Alibaba, Amazon... BIFA lập tức có những định hướng phù hợp với tình hình cho các DN trong ngành. Cụ thể là hoãn các hội chợ, triển lãm thường niên và thực hiện chuyển đổi số để hỗ trợ DN đưa hàng lên sàn TMĐT. Theo đó, BIFA cùng một số hiệp hội chế biến gỗ các địa phương đã ký kết hợp tác với FPT để xây dựng chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Trên nền tảng này, các nhà sản xuất, chế biến gỗ nội thất tại Việt Nam có thể trưng bày sản phẩm, mở showroom thực tế ảo. Theo đó, khách hàng có thể tham quan showroom, tìm kiếm sản phẩm chi tiết với hình ảnh phối cảnh 2D, 3D và trực tiếp liên hệ với người bán thông qua công cụ kết nối có sẵn trên nền tảng. Nền tảng này khi vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia tích cực của nhiều DN gỗ hoạt động trên khắp cả nước. Đây là kênh kết nối, giao thương giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

Ông Lý Châu Lâm, Giám đốc Công ty Gốm sứ Tân Toàn Phát (TX.Tân Uyên) cho biết, các DN gốm sứ đã và đang trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số, marketing thông minh. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường TMĐT đóng vai trò ngày càng quan trọng, hỗ trợ DN tăng trưởng xuất khẩu. Hiện các DN tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong quá trình chuyển đổi số, DN cũng quan tâm cân nhắc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp. Sau khi lựa chọn, DN đẩy nhanh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động và chuẩn bị nguồn nhân lực…

Sân chơi tiềm năng

Theo bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương, Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông, dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của các DN nói riêng. Trong bối cảnh đặc thù ấy các kênh bán hàng trực tuyến đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm cũng như DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ DN tự tin tham gia vào sân chơi mới mẻ và đầy tiềm năng này, Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối cho các DN vừa và nhỏ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường Hồng Kông.

Ông Trịnh Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo) cho rằng kỹ năng ứng dụng TMĐT của một số DN còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin của DN chưa phát triển, gặp rào cản về ngôn ngữ… Để tạo đòn bẩy cho TMĐT phát triển, giúp DN thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu, các DN mong muốn được hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, hình thành hệ sinh thái cho TMĐT và nền kinh tế số. Cần xây dựng một số trang TMĐT tầm cỡ quốc gia, gắn với thương hiệu hàng Việt Nam để người tiêu dùng toàn cầu dễ dàng tìm kiếm, đồng thời tạo nền tảng thương mại trực tuyến cho DN Việt Nam giới thiệu hàng hóa, vươn mình ra thị trường quốc tế. (còn tiếp)

Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Bình Dương cũng tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế. Đến nay, Bình Dương đã thiết lập mối quan hệhợp tác song phương với 10 tỉnh, thành nước ngoài. Bình Dương là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Liên tục trong 3 năm 2018, 2019 và 2020, Bình Dương đã được ICF vinh danh là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (SMART 21). Bình Dương sẽ triển khai Đề án “Vùng Đổi mới sáng tạo” với quy hoạch Khu công nghiệp khoa học - công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh tỷ trọng dịch vụ, đặc biệt là TMĐT, thương mại quốc tế với dự án tiêu biểu là Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên