Chuyện khó quên của Đội nữ pháo binh Châu Thành

Cập nhật: 04-05-2013 | 00:00:00

> Bài 2: Những trận đánh đáng nhớ

Bài cuối: Khí thế một thời tuổi trẻ

Rất nhiều câu chuyện đẹp phác họa sự kiên cường, mưu trí của Đội nữ pháo binh Châu Thành (C4) mà cho đến hôm nay họ mới có dịp nhắc đến, kể về một cách gần gũi, thân thương…

Vượt qua thử thách

Ở tuổi 15, 17, cái tuổi ôm sách vở đến trường nhưng vì sớm giác ngộ cách mạng nên họ đã dâng hiến sức trẻ của mình ở rừng Vĩnh Lợi để viết lên hàng loạt chiến tích oai hùng, góp phần làm rạng danh vùng đất lửa ngày nào và tên tuổi họ được sử sách lưu danh. Nữ chiến sĩ Trương Thị Dung kể: “Lúc tham gia Đội C4, tôi mới 17 tuổi. Đội toàn là người trẻ, có nhiều đồng chí lúc đó còn nhỏ hơn tôi 1, 2 tuổi nhưng tinh thần hiên ngang oai hùng lắm!”.   Nữ pháo binh C4 trong ngày họp mặt

Theo lời bà Trương Thị Dung, đó là một thời tuổi trẻ thật khó quên, do tinh thần yêu dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đã nung nấu ý chí kiên cường, hiên ngang cho tuổi trẻ. “Nhiều lần đối đầu với kẻ thù đầy dã tâm ở khắp các chiến trường khu vực rừng Vĩnh Lợi, tuổi trẻ chúng tôi đã biết vượt qua khó khăn, thử thách, sống đoàn kết, yêu thương nhau vì một mục tiêu, lý tưởng duy nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong nhiều lần đối mặt với kẻ thù ở Hòa Lợi, Phú Chánh, Chánh Phú Hòa, Phú Lợi… nhờ tinh thần đó, chúng tôi đã chiến thắng”. Theo bà Dung, những câu chuyện vượt qua sự “bủa vây” của địch, vượt qua những trái gài chết chóc đã cho bà và đồng đội một cảm giác khó quên. Lúc ở chiến trường, cứ mỗi buổi chiều, những thành viên trong đội phải thay phiên nhau trèo lên cây để quan sát những vị trí địch gài mìn để đối mặt với nó đã trở thành những kỷ niệm khó quên.

Nữ y tá Nguyễn Thu Hồng kể, lúc tham gia cách mạng bà cũng chỉ mới 17 tuổi. “Tuổi trẻ chúng tôi nhiệt tình lắm. Khi được lệnh tham gia trận đánh nào, ai cũng xông xáo lên đường. Là một y tá của đội, tôi không chỉ chăm sóc cho các chiến sĩ mà còn phải “tải” những người bị thương về đơn vị chữa trị tiếp. Trong nhiều lần, tôi cũng tham gia đánh giặc và đều giành chiến thắng trước kẻ thù”. Còn nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hoa cho hay: “Nhiều lần tôi và các đồng chí khác đã đi tải đạn về đánh sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vì lạc đường nên đi từ sáng đến 19 giờ chúng tôi mới tới. Nhiều lúc đói rã ruột và đối mặt với quân thù nhưng chúng tôi đã biết cách vượt qua khó khăn, thủ thách”.

Nhắc về kỷ niệm

Hôm gặp chúng tôi, nữ y tá Nguyễn Thu Hồng cho biết, không thể nào quên được chuyện quên cái gạc y tế trong bụng đồng đội của mình là ông Lê Hoàng Phong, Đội phó Đội C4 lúc bấy giờ. Sau khi tham gia trận đánh chặn đường tiếp viện của địch về Đồng Xoài tại khu vực Cổng Xanh đầu năm 1973, đồng chí Lê Hoàng Phong đã bị thương vùng vai, lưng và đứt ruột. Sau đó, nữ quân y Nguyễn Thu Hồng và các đồng chí khác đã khiêng ông Phong về đơn vị để phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật thành công, 3 ngày sau thấy ông Phong vẫn còn sốt dữ dội và đau phần bụng nên kiểm tra lại dụng cụ y tế, chúng tôi mới phát hiện quên cái gạc trong bụng của anh. Sau đó, chúng tôi đã phẫu thuật lại lần nữa để lấy cái gạc ra.

Đội trưởng Đội C4 Lê Thị Tuyết: Tuổi trẻ cần cống hiến cho cộng đồng, quê hương

 Những câu chuyện khó quên của Đội C4 bây giờ kể lại, chị em phụ nữ chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Tuổi đôi mươi của chúng tôi đã vượt qua bao khó khăn gian khổ, luôn đoàn kết để chiến đấu với kẻ thù. Các thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, có nhiều điều kiện hơn. Do vậy, tôi mong rằng, các bạn trẻ hãy phát huy truyền thống cách mạng oai hùng của cha anh, trau dồi đạo đức, phẩm chất , không ngừng học tập, lao động sáng tạo, cống hiến sức trẻ của mình cho cộng đồng, quê hương.

 Nữ chiến sĩ Trương Thị Dung: Gian khó nào chúng tôi cũng vượt qua

 Trong đội, tôi và các đồng chí Trần Thị Lý, Phan Thị Lan, Nguyễn Thị Nga là trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nhất. Trong nhiều lần đối đầu với đủ mưu kế của địch, chúng tôi buộc phải dũng cảm, mưu trí mới tồn tại được. Nhờ đó đã cho chúng tôi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, chiến đấu, học tập; đồng thời là những bài học kinh nghiệm theo mãi trong cuộc sống chúng tôi sau ngày giải phóng. Tôi cho rằng, lớp trẻ hôm nay cần phát huy cao độ tinh thần xung kích, sẵn sàng cống hiến sức trẻ của mình cho cách mạng.

Nữ y tá Nguyễn Thu Hồng khẳng định, đó là một kỷ niệm không thể nào quên được thời binh lửa. “Lúc đó, cứ nghĩ ông Phong sẽ khó sống vì thiếu thốn thuộc men nhưng bây giờ anh vẫn sống rất khỏe”. Nói xong nữ y tá chỉ tay qua phía ông Phong - một nhân chứng sống đang ngồi gần đó. Còn ông Phong thì cũng không quên được câu chuyện này. “Hồi đó, do thiếu thốn dụng cụ y tế nên sau khi phẫu thuật, tôi nghĩ mình khó qua được. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc tốt của đồng đội, tôi đã sống và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”, ông Phong nhớ lại.

Nhiều câu chuyện khó quên khác được các nữ pháo binh phác họa để ôn lại truyền thống hào hùng của Đội C4. Những câu chuyện thiếu thốn quần áo của nữ pháo binh, hay chuyện đi làm công tác trinh sát, dân vận, binh địch vận của các nữ pháo binh tuổi đôi mươi, mười tám hôm nào vẫn còn nguyên giá trị. Tất cả những hình ảnh đẹp của Đội C4 ngày nào thật sự là điểm son chói lọi, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của quê hương Bình Dương anh hùng.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên