Tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Lan ở Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM mấy ngày trước, tôi nghe chị than thở: “Chỉ vì miếng vải thừa tôi lấy may áo gối mà bị đuổi".
Chị Lan cho biết, ở công ty cũ, không tăng ca, thu nhập cũng hơn 4 triệu đồng/tháng, còn mấy công ty mà chị vừa xem qua, lương và phụ cấp cũng chỉ gần 3 triệu đồng.
Công ty cũ chị Lan nói đến là một xưởng may mặc hàng xuất nhập khẩu trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp - TPHCM. Trụ sở chính của công ty ở Huế nên ông giám đốc người Pháp giao mọi việc lớn nhỏ tại xưởng cho một chị quản lý người Việt. Giám đốc kiểm tra mọi việc hằng ngày qua điện thoại, email. Mỗi tuần, giám đốc chỉ vào TPHCM kiểm tra hàng một lần.
Xưởng có hơn 20 công nhân nữ, được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định; rồi tiền cơm trưa, lễ lạt đều có. “7 giờ 30 phút bắt đầu làm, 16 giờ 30 phút đã được về nhưng lương cũng hơn 4 triệu đồng. Chỉ vì miếng vải thừa tôi lấy may áo gối mà bị đuổi” - chị Lan tiếc rẻ.
Lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc. Thật ra, mọi chuyện đâu chỉ là miếng vải thừa. Tuần trước, phát hiện ở Hội An bán hàng của công ty, giám đốc phát hoảng vì sản phẩm của doanh nghiệp chỉ bán ở thị trường Campuchia. Kiểm tra tất cả các đơn hàng, giám đốc phát hiện xưởng ở TPHCM bị mất một số lượng lớn sản phẩm. Hỏi quản lý, quản lý không biết; hỏi công nhân thì công nhân “câm như hến”. Mất lòng tin, giám đốc siết chặt nội quy, chỉ cần ai lấy nguyên phụ liệu, dù là mảnh vải thừa, cũng bị đuổi.
Tuy bị đuổi vì lý do chính đáng nhưng chị Lan cũng không hết ấm ức. Chị kể: “Hôm trước, giờ nghỉ trưa, mấy chị em chơi bài, chị quản lý thua, lấy đồ của xí nghiệp “chung” cho công nhân mà có bị đuổi đâu? Rồi mấy chị công nhân khác thấy hàng bị lỗi cũng lấy về nhà cho chồng, con mặc cũng có bị đuổi đâu?”. Tôi hỏi: “Thế chị có lấy không?”. Chị ấp úng: “Thì người ta lấy, chẳng lẽ mình không lấy?”. “Thế thì bị đuổi là phải” - tôi buột miệng.
Cách đây hơn 1 tháng, Bộ Lao động Hàn Quốc đã quyết định tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS sau 8 năm thực hiện. Lý do phía đối tác đưa ra là tỉ lệ lao động bỏ trốn quá lớn. Quyết định này đã gây thiệt thòi cho hàng chục ngàn lao động đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, hồ sơ đã được đưa lên mạng chờ được các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn. Về lâu dài, nếu không giải quyết triệt để vấn đề văn hóa, kỷ luật lao động thì không chỉ Hàn Quốc mà nhiều thị trường khác cũng sẽ “đóng cửa” đối với lao động Việt Nam.
Theo NLĐ