Chuyện “lạ” của các doanh nghiệp FDI

Cập nhật: 26-10-2011 | 00:00:00

Theo thống kê, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 2.020 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép hoạt động, với tổng số vốn đăng ký hơn 14 tỷ USD, trong đó có khoảng 1.700 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Tuy nhiên, có tới khoảng phân nửa số DN này đang kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm liền, thậm chí có nhiều DN thua lỗ cả chục năm. Điều đáng quan tâm ở đây là việc họ kinh doanh thua lỗ “triền miên” như thế nhưng không rơi vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản mà trái lại họ còn mạnh hơn trước khi xin tăng vốn liên tục để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc các DN mua hàng hóa, nguyên phụ liệu giá cao để về sản xuất ra sản phẩm bán với một giá thấp hơn giá thị trường mặt hàng cùng chủng loại là việc làm bất bình thường. Đây là vấn đề không thể chấp nhận được nhưng nó đã được chấp nhận từ nhiều năm nay bởi sự quản lý chưa theo kịp thời đại của các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành, gây thất thu ngân sách Nhà nước đáng kể. Vị lãnh đạo của một sở thừa nhận thực trạng khai báo lỗ của các DN để trốn thuế chắc chắn là có nhưng để chứng minh được điều đó là không đơn giản chút nào. Theo Bộ Tài chính, qua kiểm tra tại gần 500 DN FDI báo lỗ trên cả nước, kết quả đã giảm lỗ trên 3.600 tỷ đồng, tăng thu ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. Riêng Bình Dương, công tác chống chuyển giá đối với các DN FDI đang được tiến hành khẩn trương và bước đầu đem lại hiệu quả nhất định khi phát hiện hàng loạt DN khai báo lỗ nhiều năm liền nhưng khi thu thập và đối chiếu các thông tin liên quan thì họ thật sự làm ăn có lãi.

Rõ ràng những chiêu thức mà một số DN có vốn FDI mang ra sử dụng trong thời gian qua đã làm cho không ít các nhà quản lý cũng như các DN phải đau đầu, thậm chí phải ngậm ngùi chấp nhận thua ngay trên sân nhà. Ví như cách nay khoảng trên chục năm khi chưa có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài nên các DN nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam chỉ có cách liên doanh với một DN trong nước. Ở thời điểm ấy, thường các DN liên doanh góp vốn phổ biến nhất vẫn là DN nước ngoài góp vốn bằng tiền, còn DN Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau vài năm cùng làm ăn với nhau thì tỷ lệ vốn góp của các DN trong nước ngày càng nhỏ dần và cuối cùng bị DN nước ngoài thâu tóm bằng chiêu thức tăng vốn liên tục, trong khi đó DN trong nước không có vốn, còn quỹ đất thì lại có hạn. Đó là những bài học đắt giá cần được cảnh báo và rút kinh nghiệm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay của nước ta..

 MINH DÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên