Chuyện ở một khu phố văn hóa

Cập nhật: 24-05-2019 | 07:43:20

Khu phố 4, phường Mỹ Phước, 5 năm liền đạt khu phố văn hóa. Ở đây có nhiều cách làm hay, trong đó có việc vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm, đoàn kết gắn bó dù dấu ấn đô thị hóa ngày càng rõ nét.

 Khi chúng tôi đến Ban Điều hành khu phố 4, phường Mỹ Phước, các anh em trong Ban Điều hành khu phố và lực lượng dân quân đang phân loại, lưu trữ hơn 1.000 tờ rơi các loại mà họ mới xử phạt xong. 2 đối tượng phát tờ rơi là những lao động trẻ từ nơi khác tới. “Họ hứa không vi phạm nhưng việc làm hay không thì... có trời biết!” - một người nói đùa nhưng rất thật về việc xử lý người đi phát tán quảng cáo, rao vặt trên các tuyến đường. Đó chỉ là một trong rất nhiều việc mà Ban Điều hành khu phố phải xử lý trong một ngày.

 Cán bộ văn hóa xử lý tờ rơi quảng cáo thu được tại các tuyến đường

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng khu phố 4, cho biết toàn khu phố có 12.767 hộ, khoảng 26.000 dân, có 326 nhà trọ. Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu nhà trọ văn hóa đạt hơn 97%. Việc quản lý an ninh trật tự, vệ sinh ở các tuyến đường trong khu phố được giao cho các đoàn thể phụ trách nên khá ổn định. Ví dụ, Chi hội Cựu chiến binh phụ trách tuyến đường quốc lộ 13, Đoàn Thanh niên phụ trách đường Đ2, Hội Phụ nữ vận động người dân giữ gìn vệ sinh, trồng cây tạo cảnh quan môi trường... Bên cạnh đó, khu phố cũng vận động các chủ nhà trọ đóng góp kinh phí lắp 8 camera, máy chủ đặt tại văn phòng khu phố. Khi có bất cứ chuyện gì về an ninh trật tự, lực lượng sẽ có mặt kịp thời để phân giải, xử lý. Đội dân phòng cũng tuần tra 24/24 nên tình hình trật tự trị an thời gian qua được giữ vững.

Tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn ảnh hưởng đến cách sống, tập quán của người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “nhà nào biết nhà đó”, Ban Điều hành khu phố thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân. Các hộ chủ kinh doanh nhà trọ có mối liên kết chặt chẽ với nhau, từ đó trao đổi về cách làm thủ tục xây dựng, quản lý nhà trọ, quản lý lao động tạm trú đến ở trọ... “Khi người dân đồng lòng thì việc gì mình cũng có thể vận động được. Bởi tất cả những việc mình làm là đem lại lợi ích cho người dân. Giúp người dân nhận ra thì họ sẽ ủng hộ mình”, ông Hùng chia sẻ. Ông cũng đưa ra việc người dân mở rộng tuyến đường XC 7 - gần cây xăng Trường Phát, khi một chủ hộ đồng ý dời hàng rào, nhường đất làm đường, nhưng kinh phí làm lại hàng rào phải tốn hơn 30 triệu đồng họ không có để làm lại thì người dân đã tự vận động nhau đóng góp cho đủ số tiền này. Kết quả là “mỗi người đóng góp một chút cho tuyến đường, ngõ phố mình ở khang trang, sạch đẹp hơn thì ai cũng phấn khởi” - ông Hùng chia sẻ thêm.

Ở đây, các nhà trọ văn hóa cũng có kệ sách pháp luật, sách báo các loại để công nhân lao động tìm hiểu. Chủ nhà trọ văn hóa cũng thường xuyên vận động người ở trọ nâng cao ý thức trách nhiệm công dân của mình. Hỏi ông Hùng điều khó nhất trong việc xây dựng khu phố văn hóa là gì? Ông cho biết, đó là các hộ tạm trú di chuyển thường xuyên ảnh hưởng đến việc quản lý cũng như đạt các tiêu chí thi đua đã đề ra. Tuy nhiên, các anh em trong Ban Điều hành khu phố luôn nhắc nhở nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần làm cho khu phố ngày càng sạch đẹp, văn minh hơn nữa.

HƯƠNG CẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên