Cô bé “hai lần mồ côi” vào đại học

Cập nhật: 21-10-2015 | 16:03:06

Nhà nghèo, Đỗ Thị Ngân đã hai lần đứng trước quyết định từ bỏ ước mơ được đi học. May mắn được nhiều người cưu mang, Ngân được học và thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Tranh thủ ngày nghỉ về thăm gia đình, Ngân phụ giúp bà đan lưới. Thu nhập của hai bà cháu từ nghề này cao nhất được 100.000 đồng/ngày. Tháng cao điểm chỉ làm được chục ngày - Ảnh: Đức Hiếu

Nhưng nỗi lo phải dừng con đường học vấn bất cứ lúc nào luôn là nỗi ám ảnh đối với cô trò nhỏ.

Từ khi Ngân còn học mẫu giáo, bố mẹ Ngân mất vì tai nạn giao thông. Đến khi học cấp 2, anh trai cũng nằm lại nơi đất lạnh, để lại những khoảng trống còn lạnh lẽo gấp bội trong lòng em. Gương mặt sinh ra có nét tươi cười, nhưng nhiều năm nay, cuộc đời Ngân chỉ có nước mắt và nước mắt. Hoàn cảnh éo le, nhiều người thương cảm gọi Ngân là cô bé “bị trời đày”

Hàng ngày Ngân giúp bà đan lưới, hai bà cháu thu nhập ngày chỉ 70.000 - 100.000 đồng, tháng làm nhiều nhất được chục ngày, còn lại là đói. Bà nội bảo Ngân dễ nuôi lắm, ăn gì cũng được, mà bà cũng không có tiền, chỉ rau cháo nuôi cháu được thôi. Chẳng vậy mà so với bạn bề đồng trang lứa, Ngân gầy hơn hẳn.

Hiểu hoàn cảnh của mình nên dù thi đỗ THPT, Ngân giấu không nói với ai. Trong một lần tình cờ hỏi thăm, biết được hoàn cảnh của Ngân, cô Đỗ Thị Nhung, họ hàng xa quyết tâm đón em về nhà, tiếp tục đường đi học. Ngày Ngân lên nhà cô ở, hành trang mang theo chỉ có một túi nhỏ đựng quần áo, sờn rách và cũ nát.

“Đầu năm lớp 10, Ngân gặp tôi, ấp úng mãi mới nói được nhờ cô đi họp phụ huynh giúp. Những ngày đi học, cứ sáng sớm Ngân đều thức dậy sớm… là quần áo. Quần dài độc một chiếc, áo trắng độc một cái nên hôm trước giặt thì hôm sau phải là cho khô để có đồ mặc đến trường”  - cô Nhung ngậm ngùi kể.

Đỗ Thị Ngân miệt mài bên bàn học vì ước mơ làm bác sĩ sau này

Mong trả ơn đời

Ngày biết tin báo đỗ đại học, Ngân vừa mừng vừa lo. Tròn 18 tuổi, em không còn được nhận khoản tiền trợ cấp 300.000 đồng một tháng, gia đình các bác cũng không ai dư giả để nuôi em ăn học, đều khuyên em đi làm công nhân làm thuê.

Ngân không chịu bỏ học, nhưng cũng không biết làm cách nào khác. Không đành lòng nhìn cô bé ham học dừng cánh cửa mơ ước, vợ chồng cô Nhung bàn bạc nhiều đêm không ngủ. Rồi cô chú quyết dành dụm tiền cho cháu nhập trường. Hành trang mang theo của Ngân có cả lọ ruốc to gia đình thầy chủ nhiệm ghém cho làm thức ăn dần.

Nhập trường muộn, kí túc xá lại đông nên Ngân đành thuê trọ ngoài. Trường của Ngân ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày đầu đến trọ, em đã đi xung quanh hỏi chỗ làm thêm, đỡ cô chú khoản tiền gửi, nhưng quanh khu trọ tìm được việc phù hợp quả không dễ.

Ngân tâm sự: “Cả đời này em không quên được ơn tình cô chú, thầy cô. Em sẽ gắng học sau này ra trường đền đáp công ơn cô chú và thầy cô đã nuôi dưỡng, cưu mang. Học sư phạm em cũng thích, nhưng ước mơ cả đời em là được làm bác sĩ cứu người, nghĩ đến cảnh bố mẹ gặp nạn mà không cứu được,…”

Ngân bỏ lửng câu nói, hai hàng nước mắt chảy dài. Tranh thủ ngày nghỉ về nhà, Ngân đã nhặt nhạnh sách học ôn thi khối B đầy một balo để ngày mai mang theo xuống trường học.

Ngân là học sinh ngoan, học giỏi 

Không chỉ được miễn học phí, những khoản tiền đóng góp, học thêm, Ngân đều được gia đình thầy chủ nhiệm cùng trường, lớp hỗ trợ. 

Thầy Phạm Khoa Trường, giáo viên chủ nhiệm lớp của Ngân ba năm THPT chia sẻ: “Thời gian đầu, Ngân mặc cảm nên ít nói chuyện với ai. Em chỉ ngồi ở góc lớp, khóc nhiều. Sau đó, em cũng hòa đồng cùng các bạn, học được môn Hóa nên em cũng hay giúp đỡ bạn bè trong lớp. Tôi cũng thấy em rất nghị lực, hoàn cảnh như vậy nhưng đỗ lớp chọn trường huyện, rồi lại thi đỗ được đại học”


Theo Tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên