Cơ chế quản lý của scic tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa ở địa phương: Những bất cập cần giải quyết

Cập nhật: 14-05-2010 | 00:00:00

Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh vừa có buổi khảo sát tại Công ty Cổ phần Lâm sản XNK Tổng hợp Bình Dương (Genimex). Tại buổi khảo sát cho thấy, sau hơn 3 năm cổ phần hóa (CPH), doanh nghiệp (DN) đã có những dấu hiệu tích cực với mô hình quản lý mới, đạt doanh thu tăng hàng năm, chủ trương CPH là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh lại chính là cơ chế quản lý nguồn vốn và sự tham gia điều hành sản xuất - kinh doanh (SX-KD) của Tổng Công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tư cách là một cổ đông tại DN...

Sau CPH nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quảTrưởng ban KT-NS HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hà cho hay, qua các chuyến khảo sát tại các DN Nhà nước sau CPH, ở DN nào cũng thấy nổi lên vấn đề người đại diện nguồn vốn và tài sản Nhà nước tại DN. “Chúng tôi đã có chuyến khảo sát tại Biconsi và lần này tại Genimex, các ý kiến từ DN đều khá bức xúc về vai trò của người đại diện vốn Nhà nước trong HĐQT của DN”, bà Hà nói.

Theo quy định, sau khi CPH, đối với nguồn vốn thuộc sở hữu Nhà nước được chuyển về cho SCIC nắm giữ và quản lý. Ở các DN sau CPH tại địa phương, SCIC ủy quyền cho Chi cục Tài chính DN địa phương làm người đại diện, giữ vai trò thành viên trong HĐQT của công ty, tham gia vào như người đại diện nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, vai trò thành viên HĐQT của người đại diện này tại DN lại chỉ hữu danh, vô thực, rất mờ nhạt. Bà Nguyễn Lệ Hằng, Tổng Giám đốc Genimex cho hay: “Là một cổ đông lớn, nắm giữ trên 51% cổ phần tại DN nhưng đại diện SCIC lại không thể hiện được vai trò gì trong HĐQT. Tuy đi sâu, đi sát và nắm rõ tình hình SX-KD của công ty, bàn thảo chiến lược kinh doanh hay bất cứ vấn đề gì, nhưng lại không thể hiện được tiếng nói vì quyết hay không lại phải chờ hỏi ý kiến từ HĐQT của SCIC”.

Người trong cuộc, ông Phạm Minh Tâm, Chi cục Tài chính DN thuộc Sở Tài chính, được SCIC ủy quyền là người đại diện vốn Nhà nước tại Genimex, thành viên HĐQT trong công ty này, cho biết: “Tại Bình Dương, sau khi CPH 11 DN vốn Nhà nước, nguồn vốn Nhà nước được giao về cho SCIC. Đối với người đại diện cho vốn Nhà nước tại công ty, tham gia trong HĐQT, khi bàn thảo, biểu quyết các vấn đề trong cuộc họp HĐQT phải làm văn bản gửi về cho SCIC xin ý kiến. Sau đó, SCIC thông qua HĐQT, ra văn bản gửi về, đồng ý biểu quyết hay không biểu quyết...”. Do vậy, khi đưa ra các quyết định SX-KD, DN luôn luôn ở thế bị động, chờ phản hồi từ phía SCIC, đôi khi lại bị phủ quyết hoàn toàn. Cũng theo ông Tâm và một số thành viên Ban KT-NS, tình hình này dẫn đến hiện tượng SCIC với tư cách là một cổ đông lớn, thường “chèn ép” các cổ đông nhỏ khác, trong khi mô hình quản lý thì mang nặng tính chất chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính. Do đó, các thành viên Ban KT-NS cũng chia sẻ sự đồng tình, cho rằng, cần phải có cơ chế mới cho SCIC vì bản thân SCIC cũng chỉ là một cổ đông trong mô hình hoạt động của công ty cổ phần.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, trước khi CPH, vốn và tài sản tại các DN Nhà nước ở địa phương, đều do địa phương quản lý, nay sau khi CPH, số vốn mà Nhà nước nắm giữ tại các DN đều được chuyển cho SCIC quản lý, “nghĩa là chuyển hết về Trung ương”. Do đó, khi DN muốn tăng đầu tư, chỉ còn cách là phát hành cổ phiếu, sẽ không có chuyện vốn Nhà nước rót về cho tái đầu tư. Một đại diện phía Genimex cho hay, ngay cả khi trả cổ tức, SCIC nhất nhất đòi chi trả bằng tiền mặt, không chịu nhận cổ tức thông qua dạng cổ phiếu, trong khi DN thì muốn trả thông qua cổ phiếu như một hình thức tái đầu tư, do đó, các kỳ đại hội cổ đông thường diễn ra khá căng thẳng. Không thể phủ nhận, đã là vốn, tài sản Nhà nước thì cho dù ở địa phương hay Trung ương, bản chất vẫn là vốn, tài sản của Nhà nước, nhưng rõ ràng khi các dự án đầu tư mà hạ tầng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương được DN thực hiện, khi thiếu vốn sẽ khó có cơ chế rót vốn đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, trong khi huy động vốn từ các nguồn khác không phải là một công việc dễ dàng.

Chốt lại các ý kiến, Trưởng ban KT-NS HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hà, cho biết, đây là một vấn đề mới phát sinh trong quá trình CPH, do đó từ thực tế khảo sát tại DN, sẽ có ý kiến với HĐND, UBND và đặc biệt là Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, xem xét bàn thảo và có kiến nghị với Trung ương về vấn đề này.

THÀNH SƠN

Cổ phần hóa là “đòn bẩy” để doanh nghiệp phát triển

Tuy có những bức xúc về cơ chế quản lý vốn, tài sản Nhà nước thông qua SCIC tại các doanh nghiệp (DN) sau CPH, nhưng tại buổi khảo sát, tựu trung các ý kiến từ bản thân DN và các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh, đều khẳng định, CPH hoàn toàn là một chủ trương rất đúng đắn.

Tính năng động và hiệu quả sau CPH của DN đã được khẳng định như một bằng chứng cho thấy, con đường CPH các DN có vốn Nhà nước, không làm cho DN yếu đi, mà là đòn bẩy giúp DN phát triển mạnh hơn.

Nhìn vào mô hình hoạt động của Genimex sau 3 năm CPH đã cho thấy rõ hiệu quả của CPH. Tổng doanh thu năm 2008 của Genimex đạt 180 tỷ đồng (lấy số tròn); năm 2009 đạt 237 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2008 đạt 28,5 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 7,6 tỷ đồng; năm 2009 đạt 56 tỷ đồng, nộp ngân sách 37,6 tỷ đồng. Báo cáo của Genimex giải trình với đoàn giám sát, cho thấy, với số vốn Nhà nước tham gia vào DN sau CPH (8,6 tỷ đồng), sau hơn 3 năm, chỉ tính riêng phần cổ tức mà DN chi trả cho phần vốn Nhà nước đã tương đương số vốn trên: 7 tháng năm 2006 chi trả 758.625.000 đồng; năm 2007 chi trả 1,3 tỷ đồng; năm 2008 chi trả 2,8 tỷ đồng; năm 2009 chi trả 5,6 tỷ đồng. Lượng vốn Nhà nước năm 2006 từ 8,6 tỷ đồng, đến năm 2009 đã tăng lên ở con số 11,2 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Lệ Hằng, Tổng Giám đốc Genimex, tuy sau CPH DN gặp nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ địa phương; tận dụng tốt các mối quan hệ khách hàng, đối tác cũ và thế mạnh lâu năm, tất cả lĩnh vực hoạt động của Genimex đều hoạt động ổn định và hiệu quả. Ngoài ra, sau CPH, tình hình DN có nhiều chuyển biến tích cực, đó chính là sự nhận thức vai trò, nhiệm vụ mới của cá nhân mỗi người lao động, thành viên HĐQT, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên