Cô giao liên Tám Trầu ngày ấy...

Cập nhật: 24-09-2019 | 10:37:34

Trước ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11- 1940) nổ ra, bà mới 12 tuổi đã tham gia làm giao liên; rồi lần lượt trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, với vai trò là cán bộ phụ nữ làm nhiệm vụ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng, tăng gia sản xuất bảo đảm cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu... Bà chính là điển hình của phụ nữ miền Nam anh dũng thi đua giết giặc, trong gian nan vẫn một lòng trung kiên, bất khuất. Bà là Phạm Thị Lý, tên thường gọi Tám Trầu.

Bà Tám Trầu (trái) kể lại những năm tháng tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ

Con nhà “nòi”

Trong ngôi nhà tình nghĩa ở đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), có một người phụ nữ đã ở vào cái tuổi xế chiều nhưng tinh thần vẫn lạc quan, đặc biệt là khi nghe nhắc lại một thời thanh xuân rực lửa. 91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, bà Tám Trầu là một trong số ít người đã từng sống trong giai đoạn lịch sử rất đỗi hào hùng nhưng cũng lắm đau thương của dân tộc. Bà đã chứng kiến sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa, Cách mạnh Tháng Tám 1945, Nam bộ kháng chiến, rồi tham gia hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc thần thánh của dân tộc.

Tuổi xế chiều, bà Tám Trầu sống với những ký ức xa xưa. Quệt miếng trầu, bà Tám Trầu trầm ngâm, như để bắt đầu một câu chuyện dài. Mở đầu cho câu chuyện của mình, bà Tám Trầu chỉ lên bàn thờ với rất nhiều danh hiệu như Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập được treo trang trọng trên tường rồi kể cho chúng tôi nghe về một thời thanh xuân rực lửa. Bà Tám Trầu sinh ra trong một gia đình cách mạng, cha mẹ bà sinh được 11 người con, 2 người mất từ nhỏ, còn lại đều hoạt động cách mạng. Cha của bà, ông Phạm Văn Tới, xuất thân trong một gia đình địa chủ, nhưng đã trở thành cơ sở cách mạng từ những ngày mới thành lập Đảng năm 1930. Trước Cách mạng Tháng Tám, căn nhà của cha mẹ bà Tám Trầu là nơi tụ họp của nhiều trí thức, trong đó có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và thầy Tư Kỉnh, hai đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì vậy, ngay từ thuở nhỏ, bà Tám Trầu đã biết đến Đảng, Bác Hồ, biết đến việc làm cách mạng.

Đầu năm 1940, cả Nam bộ rạo rực không khí chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, cũng là lúc bà Tám Trầu chính thức nhận nhiệm vụ giao liên, đưa thư từ xã An Tây (vùng Tây Nam - Bến Cát ngày ấy) sang xã Phú Hòa Đông (Củ Chi). Thời cơ chưa chín muồi, khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, nhiều cán bộ, đảng viên bị khủng bố gắt gao, nhất là ở Gia Định phải chạy sang An Tây. Họ đã được cha của bà tiếp tế, nhận và vận động bà con nuôi giấu cách mạng, chẳng những chỉ trong dòng họ, mà còn lan sang các họ khác trong làng. Bà Tám Trầu nhớ lại: “Năm 1941, cha tôi đứt ruột bán 7 mẫu ruộng mà ông nội để lại trả nợ, nuôi con và một phần nuôi cán bộ cách mạng. Lúc này nhiệm vụ giao liên của tôi cũng tạm gác lại”.

Đến giữa năm 1945, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, phong trào Thanh niên Tiền phong ở tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập và phát triển mạnh, bà Tám Trầu cũng tích cực tham gia. Với vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, Thanh niên Tiền phong trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt trong việc giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Với bà Tám Trầu, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình thì Cách mạng Tháng Tám là một ký ức không bao giờ quên.

Người cán bộ phụ nữ kiên trung

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta và chính quyền cách mạng đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức nặng nề: Lần đầu tiên điều hành, quản lý một đất nước, một chính quyền non trẻ; một mặt tiến hành kiến thiết, xây dựng, củng cố chính quyền mới, mặt khác tổ chức các cuộc vận động chống giặc đói, giặc dốt; đối phó với các lực lượng phản động; chống thù trong, giặc ngoài.

Trước Cách mạng Tháng Tám, căn nhà của cha mẹ bà Tám Trầu là nơi tụ họp của nhiều trí thức, trong đó có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và thầy Tư Kỉnh, hai đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì vậy, ngay từ thuở nhỏ, bà Tám Trầu đã biết đến Đảng, Bác Hồ, biết đến việc làm cách mạng.

Trong bối cảnh đó, chủ trương lớn của Đảng là mở rộng mặt trận thống nhất dân tộc, thành lập các tổ chức đoàn thể nhằm tập hợp, động viên, khích lệ đông đảo lực lượng quần chúng yêu nước không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái. Theo đó, Phụ nữ Cứu quốc của tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập. Bà Tám Trầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Thanh niên Tiền phong đã tham gia Phụ nữ Cứu quốc. Năm 1946, bà Tám Trầu là Trưởng Ban cán sự phụ nữ ấp, Chính trị viên Trung đội Thanh niên ấp. Nhờ hoạt động tích cực, năm 1947, bà Tám Trầu đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1948, bà là ủy viên Hội Phụ nữ xã An Tây.

Cuộc đời hoạt động cách mạng cũng thăng trầm như đời thực của mỗi con người. Bà Tám Trầu và gia đình cũng xảy ra không ít biến cố. Bà Tám Trầu kể: “Cha mẹ của tôi là cơ sở cách mạng nên lâu ngày không qua được tai mắt của bọn địch. Tháng 7-1947, bọn chúng đã bắt ông, buộc ông khai báo. Ông một mực không khai nên bọn chúng đã đánh đập ông tàn nhẫn, gãy đùi, gãy răng, mặt mày sưng tụ máu. Chưa hết, chúng đốt nhà, tiêu hủy toàn bộ tài sản... Sau này, còn có những chuyện đau lòng hơn...”.

Năm 1950, trong chiến dịch Lê Hồng Phong, bà được Huyện đội Bến Cát bổ sung làm Chính trị viên phụ trách Tiểu đoàn Dân quân. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết. Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về, lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Mỹ - Diệm vi phạm trắng trợn Hiệp định Genève, đàn áp người kháng chiến cũ, phá vỡ hiệp thương tổng tuyển cử. Sự lãnh đạo của Đảng sau 1954 tại địa phương chuyển hướng vào hoạt động hoàn toàn bí mật để bảo tồn lực lượng. Đoàn thể phụ nữ cũng như các đoàn thể quần chúng khác đều tự giải tán, chuyển sang tổ chức quần chúng theo chuỗi rễ nòng cốt. Một số cán bộ phụ nữ được bố trí nhằm hoạt động hợp pháp, tạo thế sinh sống công khai, chuyển vùng công tác.

Trong bối cảnh đó, năm 1957, bà Tám Trầu được phân công làm Bí thư Chi bộ xã, sau đó là Bí thư Chi bộ Thống nhất huyện, Trưởng ban đấu tranh chính trị huyện, bí mật lãnh đạo. Rồi sau đó, bà Tám Trầu được điều về tỉnh làm Ban Huấn - Tổ, vừa làm ở trường Đảng, vừa xây dựng cơ sở. Năm 1963, bà là cán bộ đặc trách của Tỉnh ủy xuống huyện Bắc Bến Cát công tác.

Với những người chiến sĩ cách mạng thời đó thì cơn sốt rét rừng luôn là nỗi ám ảnh. Bà Tám Trầu cũng vậy. Bà Tám Trầu bị cơn sốt rét rừng hành hạ, phải nhiều năm đưa về R, ra miền Bắc rồi sang tận Trung Quốc để điều trị. Dù trong hoàn cảnh nào, bà cũng hoạt động. Ở các bệnh viện, bà đều là Bí thư Chi bộ bệnh nhân.

Hết làm giao liên, đến cán bộ phụ nữ, bà Tám Trầu luôn làm tốt nhiệm vụ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng, tăng gia sản xuất bảo đảm cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu... Bà chính là điển hình của phụ nữ miền Nam anh dũng thi đua giết giặc, trong gian nan vẫn một lòng trung kiên, bất khuất...

Bà Tám Trầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Thanh niên Tiền phong đã tham gia Phụ nữ Cứu quốc. Năm 1946, bà Tám Trầu là Trưởng Ban cán sự phụ nữ ấp, Chính trị viên Trung đội Thanh niên ấp. Nhờ hoạt động tích cực, năm 1947, bà Tám Trầu đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1948, bà là ủy viên Hội Phụ nữ xã An Tây.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên