Cơ sở tiện chạm mỹ nghệ Đỗ Quân: Nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm

Cập nhật: 15-07-2016 | 09:04:28

Sản phẩm đèn dầu gỗ và đại bàng gỗ của Cơ sở gia công tiện chạm mỹ nghệ Đỗ Quân (Cơ sở Đỗ Quân - khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TX.Thuận An) vừa được tỉnh bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm tiện chạm mỹ nghệ gỗ khẳng định ưu thế trên thị trường, có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 Hơn 20 năm gắn bó với nghề tiện chạm gỗ, bà Nguyễn Thị Như Mai, chủ Cơ sở Đỗ Quân chia sẻ, để đứng vững trên thị trường như hiện nay, cơ sở đã trải qua nhiều thăng trầm. Có lúc bà tưởng chừng phải bỏ nghề vì công việc làm ăn của cơ sở trì trệ, thiếu vốn và kinh nghiệm nên sản phẩm đưa ra thị trường không cạnh tranh được. Nhưng do yêu nghề, chịu khó tìm tòi, học hỏi cùng với sự động viên của gia đình nên bà đã vượt qua được khó khăn.


Sản phẩm đèn dầu gỗ của Cơ sở Đỗ Quân được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016 Ảnh: T.PHƯƠNG

Sản phẩm đèn dầu gỗ của Cơ sở Đỗ Quân là nét đẹp tín ngưỡng, vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa phong thủy. Do đó, đèn dầu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên trên bàn thờ của các gia đình hoặc đình chùa để “giữ lửa” và thắp hương trong cúng lễ hay giỗ chạp. Nguyên vật liệu dùng để sản xuất cặp đèn dầu gỗ mỹ nghệ được cơ sở chọn lọc kỹ càng, xử lý chuyên nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, đèn dầu gỗ mỹ nghệ có độ bền cao, vân gỗ đẹp, màu sắc tự nhiên, không cong vênh, nứt, mối mọt trong quá trình sử dụng.

Bà Mai cho biết thêm, đến với nghề này cũng là một cái duyên; hơn nữa tiện chạm gỗ vốn là nghề truyền thống ở phường An Thạnh. Nghề này chủ yếu làm các đồ thờ tự và đồ dùng trong gia đình. Do sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước, làng nghề nay không còn phát triển như trước đây. Trước thực trạng đó, bà Mai đã tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các cơ sở tiện chạm khác để nâng cao chất lượng và mẫu mã. Bên cạnh đó, cơ sở không chỉ làm những sản phẩm truyền thống mà còn cải tiến theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Những năm qua, cuộc sống của gia đình bà Mai đã khá lên nhờ vào nghề tiện chạm gỗ. Cơ sở Đỗ Quân đã ký kết được nhiều đơn hàng, nhờ đó bảo đảm việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Với những tiêu chí về khả năng đáp ứng thị trường và phát triển sản xuất, kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường, tính văn hóa và thẩm mỹ, sản phẩm tiện chạm gỗ của cơ sở Đỗ Quân đã được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của cơ sở mở rộng thị trường, đồng thời tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển.

THOẠI PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên