Công bố Luật Biển và 12 đạo luật quan trọng

Cập nhật: 16-07-2012 | 00:00:00

Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố 13 đạo luật được Quốc hội thông qua trong kỳ họp vừa qua. Ngoài các luật sửa đổi, bổ sung, Luật Biển Việt Nam, Luật Giá, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật… là những luật lần đầu được xây dựng.

13 luật lần lượt được công bố theo đúng thứ tự Quốc hội thông qua gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền; Luật Giáo dục Đại học; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Bộ Luật Lao động sửa đổi; Luật Công đoàn; Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước và Luật Biển Việt Nam.

 Tuần tra trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Giới thiệu về Luật Biển tại buổi họp báo công bố luật, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, với 55 điều, 7 chương, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Với vùng biển Việt Nam, luật xác định: Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam. Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Luật Biển Việt Nam khẳng định.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo, Luật Biển Việt Nam cũng nêu rõ việc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

“Theo Luật Biển Việt Nam, mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển”, ông Sơn nêu rõ.

Quy định với tàu thuyền nước ngoài

Tại chương 3 về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, luật đã quy định cụ thể nội hàm của việc đi qua không gây hại, hoạt động của tàu thuyền trong các vùng biển của Việt Nam. Đồng thời quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải Việt Nam.

Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của quốc gia khác; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào, thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam, tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam…

Luật cũng quy định việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải, khi cần thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác khi ở trong nội thủy, lãnh hãi Việt Nam phải nổi trên mặt nước…

Ngoài ra, Luật Biển Việt Nam cũng quy định rõ các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Các lực lượng này hoạt động theo nhiệm vụ được quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam và được trang bị cờ, sắc phục, phù hiệu có dấu hiệu đặc trưng.

Ý nghĩa của việc thông qua Luật Biển lần này được đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên, nước ta có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước quốc tế luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là thông điệp quan trọng

Theo quy định của Luật Biển Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.

Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế, Luật Biển Việt Nam nêu rõ.

Luật Biển Việt Nam cũng nêu rõ, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về chủ quyền, chế độ pháp lý của vùng biển Việt Nam thì áp dụng quy định của luật này. Trường hợp quy định của luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

“Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực, trên thế giới” – ông Sơn nhấn mạnh.

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên