Công đoàn Điện lực Việt Nam: Thi đua để vượt khó

Cập nhật: 13-09-2011 | 00:00:00

Trong suốt 3 năm qua, hầu hết các đơn vị, DN thuộc ngành điện đều không có nguồn quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng bởi làm ăn không có lãi do sự bất cập của cơ chế giá điện. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho việc động viên NLĐ.

Để giúp ngành và NLĐ vượt qua thời kỳ khó khăn, CĐ Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn duy trì và tổ chức tốt nhiều hình thức thi đua, động viên NLĐ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Doanh nghiệp không nguồn quỹ phúc lợi

TCty Điện lực Miền Bắc là một trong 3 TCty điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực VN. Dưới TCty có 27 Cty điện lực các tỉnh, thành phố phía bắc, các Cty cổ phần, đơn vị sự nghiệp và cả liên doanh với nước ngoài. Tổng số CNVCLĐ toàn TCty lên tới trên 27.000 người. Theo Chủ tịch CĐ TCty Điện lực Miền Bắc Nguyễn Văn Tiệp, trong số 27 Cty điện lực tỉnh, thành phố và 8 Cty cổ phần chi phối, hầu như tất cả đều không được trích nguồn quỹ phúc lợi trong suốt mấy năm qua. Lý do là SXKD không có lãi vì ảnh hưởng nặng nề bởi cơ chế giá điện. Mặc dù rất khó khăn, nhưng đến nay TCty Điện lực Miền Bắc đã thực hiện tiếp nhận bán điện đến từng hộ nông dân tại 3.156 xã - hoàn thành 100% chỉ tiêu và vượt thời gian so với quy định của Chính phủ. 

  Không có quỹ phúc lợi, nhưng CNLĐ ngành điện vẫn duy trì tốt thi đua.

Chủ tịch CĐ EVN Trần Văn Ngọc cho biết: “Trong toàn ngành điện, nhiều năm qua các đơn vị thuộc EVN hoạt động không có lợi nhuận do sự bất cập của cơ chế giá điện. Giá đầu vào sản xuất điện thì theo thị trường, nhưng giá bán điện (đầu ra) lại bị khống chế. Điều đó ảnh hưởng nặng nề đến quỹ khen thưởng và phúc lợi của doanh nghiệp. Mặc dù NLĐ ngành điện đang làm việc với cường độ nhiều hơn, năng suất lao động tăng hằng năm, nhưng ngành điện chịu thiệt thòi rất lớn từ cơ chế giá điện bất hợp lý, khiến việc làm và tiền lương của CNVCLĐ không bù đắp được tốc độ trượt giá sinh hoạt!”.

Theo CĐ EVN, trong những năm qua, ngoài lý do thiên tai, nắng nóng và khô hạn kéo dài nhất trong lịch sử 100 năm qua (trong các năm 2009-2010), thì những biến động của thị trường tài chính làm cho việc huy động vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn và cơ chế giá điện bất hợp lý (giá bán thấp hơn giá thành sản xuất)... đã dẫn đến mất cân đối tài chính của EVN. Bên cạnh đó, những bức xúc của xã hội do thiếu điện đã dồn lên CN ngành điện mỗi khi họ tiếp xúc với khách hàng. Từ những lời nói cử chỉ khó chịu, đến hành vi xâm hại thân thể của CN điện (như sự việc bắt CN ngành điện phơi nắng ở Thái Bình)... đều đã xảy ra. Do gặp khó khăn, nên hầu hết các đơn vị thuộc ngành điện đều “xóa trắng” quỹ phúc lợi, khiến CNLĐ ngành điện đang chịu thiệt thòi rất lớn.

Càng khó, càng phải thi đua!

Theo Chủ tịch CĐ EVN Trần Văn Ngọc, để NLĐ hiểu rõ sự khó khăn chung của ngành điện, CĐ ngành điện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giáo dục để đội ngũ CN ngành điện vững vàng, yêu ngành yêu nghề, nâng cao ý thức kỷ luật lao động, hoàn thành nhiệm vụ được giao... Thông qua các phong trào thi đua đã có nhiều CN ngành điện đã được tôn vinh. Tiêu biểu trong số đó là CN Phạm Quốc Dũng (trạm 110kV Văn Quán) và Nguyễn Hữu Toàn (Đội quản lý điện 2) thuộc TCty Điện lực TP.Hà Nội đã đạt danh hiệu “CN giỏi thủ đô 2011”.

Để vượt qua khó khăn chung của ngành và NLĐ, CĐ EVN vẫn duy trì và tổ chức tốt các phong trào thi đua “Ca vận hành an toàn kinh tế”, “Sửa chữa đảm bảo an toàn - chất lượng - tiến độ” ở các Cty phát điện; “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiễu mẫu” ở các Cty truyền tải điện; thi đua “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng” ở khối Cty kinh doanh điện. Nhiều công trình thi đua trong năm 2010 - 2011 đã được gắn biển chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng, đại hội Đảng các cấp, ngày thành lập CĐ, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành điện...

Toàn Tập đoàn EVN đã có 58 công trình gắn biển chào mừng trên các lĩnh vực: Xây dựng nhà máy điện, công trình đường dây, trạm biến áp, trụ sở điều hành, đã đem lại nhiều ý nghĩa cả về mặt kinh tế, tiến độ xây dựng và chất lượng công trình. Tiêu biểu là công trình chế tạo máy biến áp 500kV đầu tiên ở VN của Cty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh, công trình xây dựng đường dây và trạm biến áp 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan của TCty Truyền tải điện quốc gia...

Đặc biệt, thi đua liên kết xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La đã dấy lên khí thế khắc phục khó khăn, đảm bảo chất lượng, góp phần đưa công trình về đích trước 2 năm so với tiến độ mà Chính phủ đề ra, có ý nghĩa to lớn bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống, khắc phục tình trạng thiếu điện đang diễn ra gay gắt.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên