Công đoàn với những hoạt động “chạm đến trái tim”

Cập nhật: 02-10-2019 | 18:46:31

Hoạt động công đoàn thời gian qua ở Bình Dương không chỉ được đánh giá cao trong việc đổi mới, sáng tạo, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) mà còn có sự sẻ chia, động viên đối với những mảnh đời kém may mắn và tiếp sức cho trẻ em nghèo vùng biên giới xa xôi.

 

Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Sẻ chia khó khăn

Một trong những hoạt động ý nghĩa của các cấp công đoàn tại Bình Dương là đồng hành với những CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hảo, quê Nghệ An, hiện đang làm công nhân Công ty Đại Phát là một điển hình. Chồng chị Hảo bị thoái hóa cột sống, không làm được việc nặng nhọc. Chị Hảo, người phụ nữ chân yếu tay mềm trở thành trụ cột chính của gia đình. Do cuộc sống ở quê còn khó khăn, chị phải xa gia đình vào Bình Dương làm công nhân. Đồng lương công nhân tuy không cao, nhưng so với ở quê thì khá lắm rồi. Hàng tháng, chị chi tiêu dè xẻn, để dành dụm gửi về quê, lo cho gia đình. Nhưng gần đây, chị lại phát hiện bị u xơ tử cung, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, giảm khả năng lao động, tốn chi phí điều trị trong khi gánh nặng gia đình chị vẫn phải đảm đương. Hay trường hợp của chị Ngô Thị Hòa, công nhân Công ty Chinli cũng vậy. Tay xách nách mang hai đứa con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới 9 tháng, chồng thì bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Tâm sự về hoàn cảnh của mình, chị Ngô Thị Hòa rơm rớm nước mắt: “Khó khăn chồng chất khó khăn. Lúc vợ chồng khỏe mạnh, một đứa con thì thấy ít quá, sinh thêm cho đủ cặp. Nào ngờ tai họa ập đến, không biết mai này rồi sẽ ra sao...”.

Đây là hai trong nhiều hoàn cảnh mà chúng tôi có dịp tìm hiểu tại buổi lễ trao tặng quà cho CLNĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương tổ chức. Bà Mai Thanh Thảo, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương, chia sẻ: “Dù đã rất nỗ lực, nhưng không phải ai cũng may mắn. Những phần quà giá trị nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này là nguồn động viên rất lớn cho họ, những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống”.

Mang niềm vui cho trẻ em vùng biên giới

“Chắp cánh ước mơ”, “Tập sách yêu thương”, hai cụm từ đã dần quen thuộc với các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Từng ngày lương, từng bộ quần áo, tập vở được các cấp công đoàn phát động, tích góp đã đem đến niềm vui cho những trẻ em vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết sau 4 năm đi vào hoạt động, chương trình “Tập sách yêu thương” không chỉ dành riêng cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Dương mà đã vươn xa, đến với trẻ em nghèo vượt khó ở vùng biên giới tại các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông và được nhiều công đoàn cơ sở hưởng ứng tích cực. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shang Hung Cheng, chia sẻ: “Chương trình Tập sách yêu thương đã được công đoàn công ty phát động nhiều năm qua nhằm dành tặng cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong công ty. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đoàn viên công đoàn, vì vậy năm nay, công đoàn công ty đã mở rộng, dành tặng cho học sinh nghèo vùng biên giới”.

Theo đó, trong chương trình “Tập sách yêu thương”, Công đoàn Công ty TNHH Shang Hung Cheng đã trao tặng 2.000 quyển tập, 120 bộ sách giáo khoa và gần 2.600 bộ quần áo cũ, tổng trị giá 80 triệu đồng cho học sinh xã Lộc Tấn và Lộc Thành (tỉnh Bình Phước). Đây là hai xã biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Và, trong hành trình về với miền biên giới, công đoàn cơ sở công ty cũng đến thăm và trao 3 phần quà, mỗi phần 1 triệu đồng cho các mẹ Việt Nam anh hùng; 2 phần quà, mỗi phần 1 triệu đồng cho hộ nghèo trên địa bàn xã Lộc Tấn.

Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các em học sinh tại điểm trường Bù Núi của trường Tiểu học Lộc Tấn B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, mới thấy hết ý nghĩa của chương trình. Bà Hoàng Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lộc Tấn B, cho biết: “Đây là điểm trường lẻ có nhiều học sinh là con em người đồng bào S’Tiêng. Hầu hết, hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều khó khăn. Sau giờ học, nhiều em còn phải đi làm, phụ giúp cha mẹ việc nhà, đồng ruộng. Những phần quà này có ý nghĩa rất lớn, giúp các em có thêm động lực bám trường, bám lớp trong năm học này”. Ông Ngô Đức Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lộc Tấn, chia sẻ: “Đời sống đồng bào ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Vì vậy, những chương trình như thế này hết sức có ý nghĩa. Mong rằng thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa để những trẻ em và cả bà con vùng biên giới có thêm sự quan tâm, chia sẻ để vươn lên trong cuộc sống”.

 Thời gian qua, ngoài chương trình “Tết sum vầy” và “Chuyến xe xuân nghĩa tình” dành cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê đón tết, các cấp công đoàn trong tỉnh còn kịp thời quan tâm, thường xuyên theo dõi, động viên hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn, từ các nguồn quỹ trong công nhân viên chức lao động. Trong 6 tháng đầu năm, các công đoàn cơ sở đã chủ động đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho trên 2.400 trường hợp với tổng số tiền hàng tỷ đồng; đồng thời duy trì Quỹ “Mái ấm công đoàn”, quỹ xoay vòng, quỹ tương trợ, bảo lãnh vay tín chấp ngân hàng, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP), hỗ trợ cho gần 9.600 lượt người vay vốn với tổng số tiền giải ngân hơn 237 tỷ đồng.

TIỂU LIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên