Công lý cho biển Đông

Cập nhật: 31-05-2011 | 00:00:00

Trong những ngày này, dư luận lại nóng lên liên quan đến tình hình biển Đông. Không chỉ các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước mà dân “thời sự” từ trong nhà ra đến ngoài đường ai cũng bàn tán, phẫn uất trước cảnh “ỷ mạnh hiếp yếu” của “người khổng lồ hàng xóm”.

Thực ra việc tàu Hải giám Trung Quốc gây hấn cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 là có thể đoán trước được sau hàng loạt va chạm với các tàu của Mỹ và Philippines có tính cách thăm dò phản ứng, chỉ có điều bất ngờ là lần gây hấn này nằm sâu trong hải phận Việt Nam. Từ khi Trung Quốc công bố bản đồ biển Đông hình lưỡi bò thì tình hình biển Đông không còn êm ả nữa. Bởi vì không chỉ công bố mà Trung Quốc bắt đầu thực thi từng bước theo quan điểm đơn phương của mình. Đó là tăng cường tiềm lực quân sự trên các đảo đã chiếm đóng trái phép trước đó, tăng cường tàu tuần tra biển, cấm đánh bắt cá có thời hạn, truy sát tàu cá ngư dân các nước xung quanh, tiến hành thăm dò khảo sát tài nguyên... Tại sao Trung Quốc lại ngang nhiên hành động như vậy trong khi dư luận các nước láng giềng và quốc tế phản ứng quyết liệt, tất cả chỉ vì chữ “ lợi”. Cái lợi thứ nhất là tài nguyên. Theo đánh giá sơ bộ của nhiều tổ chức quốc tế và kể cả của Trung Quốc thì tài nguyên ở biển Đông vô cùng phong phú. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là vùng biển “giàu”, trước hết về dầu và khí có trữ lượng rất lớn nếu được thăm dò và khai thác bài bản nó có thể trở thành một “vùng vịnh mới”. Thứ hai là trữ lượng băng cháy, một nguồn năng lượng thay thế tiềm ẩn rất lớn. Thứ ba là nguồn thủy hải sản phong phú, nhiều rặng san hô ngầm diện tích lớn... Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển nóng, nhu cầu năng lượng ngày một nhiều, đang phải mua giá cao ở những nơi rất xa đầy rủi ro do chiến tranh hay tranh giành, vậy thì nguồn năng lượng ở biển Đông quả là hấp dẫn. Việc gần đây Trung Quốc đã sản xuất thành công giàn khoan dầu biển sâu càng thúc đẩy họ tiến ra biển Đông. Cái lợi thứ hai là vị trí địa chính trị: Có thể nói biển Đông có vị trí hết sức quan trọng cả về quân sự và kinh tế, ai khống chế được biển Đông thì sẽ chiếm lợi thế tiên phong về nhiều mặt. Biển Đông là con đường vận chuyển thủy nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, tổng lượng hàng hóa qua đây có lúc chiếm trên 50% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của thế giới nhất là những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu. Điều gì sẽ xảy ra khi tuyến đường bị tắc do “diễn tập quân sự hay do lý do nào đó” của nước khống chế biển Đông đưa ra... Tất nhiên nhiều quốc gia bị lệ thuộc vào đường thủy này sẽ phải biết điều.

Hiện nay, xét theo các tiêu chí luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển thì Việt Nam là quốc gia có những chứng cứ thuyết phục nhất về chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kể cả những vùng biển đặc quyền kinh tế phụ cận. Việc Trung Quốc ngang nhiên có những hành động trên biển Đông là trái phép và vi phạm nghiêm trọng quyền và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Giải quyết tình hình ở biển Đông là vô cùng phức tạp nhưng các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và những quy tắc ứng xử đã được cam kết giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Trách nhiệm của mỗi người dân là phải đoàn kết và quyết tâm phản đối các hành vi xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải bày tỏ thái độ và lập trường kiên định trong vấn đề này, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh không được manh động, lấy nguyên tắc luật pháp và thương lượng làm chính nhằm tránh những thiệt hại sẽ xảy ra trong đối ngoại và kinh tế nhất là không để các phần tử xấu lợi dụng làm cho tình hình thêm phức tạp.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên