Công nghiệp Bình Dương, sức bật và lan tỏa

Cập nhật: 21-01-2021 | 08:58:12

Kỳ 1: Vững vàng tiến bước

Nhịp sống công nghiệp Bình Dương hiện tại đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp. Những chuyến xe chở hàng hóa vẫn mải miết đi về, chở theo niềm tin mãnh liệt rằng Bình Dương sẽ tiếp tục bứt phá ngoạn mục, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, vươn tầm, hội nhập sâu rộng…

Thương hiệu mạnh

Sau 24 năm xây dựng và phát triển, công nghiệp Bình Dương trở thành điểm nổi bật với hàng loạt khu công nghiệp (KCN) mọc lên trên vùng đất thuần nông ngày nào. Tiềm lực và khả năng cạnh tranh, thương hiệu của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Bình Dương đang trở thành một trong những biểu tượng thành công trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển vững vàng.

Giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp tiếp tục là ngành trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,64%/năm, qui mô tăng 1,6 lần so với năm 2015 và chiếm 9,7% sản xuất công nghiệp cả nước. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, lắp ráp, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ.

Sản xuất tại Công ty TNHH Omron, KCN VSIP II

Các KCN không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng, kết nối, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Với 29 KCN có tổng diện tích 12.721ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 84,4% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 789,91ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%, Bình Dương đã và đang trở thành điểm đến của các nhà máy sản xuất lớn, công nghệ hiện đại. Thông qua hoạt động sản xuất tại các KCN, nhiều công nghệ sản xuất mới được nhập khẩu vào tỉnh như sản xuất thiết bị, máy móc, phụ tùng ô tô, điện thoại, linh kiện điện tử, dược phẩm… chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã ra đời, xuất khẩu đi nhiều nước. Từ các KCN, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bước đầu có sự phát triển, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

Trao đổi về quá trình phát triển của Bình Dương, PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ cho rằng, để có bước phát triển bền vững như hôm nay, Bình Dương đã có cách làm sáng tạo, quyết liệt và phù hợp với tình hình mới để mời gọi đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia thực hiện đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều nhà đầu tư, nguồn lực lao động chất lượng cao đã thực sự gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của Bình Dương.

Đặc biệt, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá cao sự thành công trong việc xây dựng các mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Bình Dương. Tất cả tạo sự đồng thuận, bảo đảm hài hòa về lợi ích của người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Công tác quy hoạch được Bình Dương tính toán kỹ trên phương diện hiệu quả kinh tế, kết hợp hài hòa với các yếu tố xã hội, bảo đảm được đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chiến lược bứt phá ngoạn mục của Bình Dương là chuyển đổi cơ cấu kinh tế dựa vào nông nghiệp, sang nền kinh tế công nghiệp. Để rồi khi đi vào hoạt động, các KCN thật sự là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Và cùng với đó, chính sách đổi mới thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao đã đem lại những kết quả nổi bật trong phát triển công nghiệp của Bình Dương bền vững hơn.

Mục tiêu mới

Bước sang một giai đoạn mới, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định rằng, Bình Dương tiếp tục thúc đẩy khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp (DN) và tập đoàn kinh tế lớn. Để nâng cao nội lực, tỉnh chú trọng phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ để phát triển KCN, khu đô thị; khuyến khích hợp tác giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước những yêu cầu mới đặt ra trong thời đại công nghiệp 4.0 và thích ứng với những thay đổi bởi dịch bệnh Covid-19, Bình Dương táo bạo, mạnh mẽ hơn với việc quyết tâm triển khai xây dựng đề án Vùng đổi mới sáng tạo. Theo đó, đề án thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử cấp tỉnh, phát triển các hoạt động kinh tế số, tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong phát triển sản xuất tiên tiến, nhà máy thông minh. Tỉnh giao Tổng Công ty Becamex IDC xây dựng KCN Khoa học - Công nghệ (KCN KHCN) với mục tiêu mang đến một hệ sinh thái phát triển toàn diện về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ, sản xuất tiên tiến và môi trường sống thân thiện.

KCN KHCN là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm công nghệ, là cầu nối giúp DN thiết lập và nâng cao chuỗi giá trị, tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp và sản xuất phụ trợ tại địa phương. Sự phát triển đó được kỳ vọng sẽ lan tỏa mạnh đến những DN hiện tại ở Bình Dương và các khu vực lân cận, phát triển bền vững dựa trên sức mạnh nội tại. Mục tiêu, đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Bình Dương sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh. Phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; thu ngân sách tăng 8%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng. (Còn tiếp)

* Bà Mary Ann Schreurs, Phó Thị trưởng thành phố Eindhoven, Hà Lan: Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được phát triển sẽ kiến tạo một hệ sinh thái thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao. Từng bước đưa tỉnh Bình Dương trở thành thành phố thông minh, trong đó các dự án trọng điểm, được coi là điểm sáng của vùng là Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương và KCN KHCN tọa lạc tại huyện Bàu Bàng.
* Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Tetra Pak: Chọn Bình Dương để đặt nhà máy mới không chỉ dựa vào sự thuận lợi về mặt địa lý mà phần nhiều là do địa phương có điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động đầu tư của DN. Cơ sở hạ tầng công nghiệp của Bình Dương đạt tiêu chuẩn mà tập đoàn đặt ra. Nhà máy Tetra Pak ở Bình Dương được xây dựng trên công nghệ hiện đại nhất của châu Âu. Nhà máy áp dụng hệ thống kiểm soát năng lượng và các thiết bị tái chế nước, triển khai tất cả các chứng nhận quan trọng về chất lượng, môi trường và an toàn, bao gồm ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001 cũng như nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác.
* Ông Meguro Minoru, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yazaki EDS VN: Công ty Yazaki EDS VN được thành lập từ những ngày đầu Bình Dương thực hiện chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Hơn 20 năm làm ăn tại đây, công ty vẫn luôn tin tưởng môi trường đầu tư của tỉnh, bằng chứng là việc công ty ngày càng mở rộng quy mô và số lượng lao động không ngừng tăng thêm qua các năm. Chính quyền tỉnh Bình Dương luôn lắng nghe, giải quyết những khó khăn vướng mắc, tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng thuận lợi. Những điều này đã tạo được lòng tin, được DN đánh giá rất cao.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên