Công nghiệp chế biến: Đóng góp ngày càng quan trọng

Cập nhật: 16-12-2015 | 19:50:41

5 năm qua, ngành công nghiệp chế biến (CNCB) của tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng trưởng mạnh. Riêng năm 2015, giá trị sản xuất của ngành này tăng 15,9% so với năm trước. Trong đó, lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.

Những năm qua, CNCB của tỉnh Bình Dương luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Sansho Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Gia tăng tỷ trọng

Thời gian qua, CNCB là ngành tác động mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Trong 7 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đều thuộc CNCB như: Chế biến thực phẩm, đồ uống; cơ khí, điện - điện tử; chế biến gỗ; dệt may; hóa chất - cao su… Trong giai đoạn 2011-2015, ngành chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; trong khi đó tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất có xu hướng ổn định về cơ cấu. Như vậy, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp của Bình Dương có sự chuyển biến tích cực, gia tăng tỷ trọng các ngành có công nghệ, kỹ thuật cao như cơ khí, chế tạo máy, điện - điện tử...

Đối với ngành chế biến thực phẩm, đồ uống có sự đóng góp quan trọng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, trong năm 2010 ngành này chiếm 17,6% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; đến năm 2013 đã tăng lên 18,3% và dự kiến năm 2015 ngành này chiếm 18,5%.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Miền Đông (TX.Thuận An), năm 2015 hoạt động sản xuất bia, rượu của các doanh nghiệp tại Bình Dương tăng trưởng khá tốt. Riêng Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Miền Đông, đơn vị trực tiếp tổ chức bán hàng tại 5 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, năm 2015 tuy gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh thị trường, nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt ngay từ đầu năm nên công ty đã đạt kết quả kinh doanh khả quan. Tính đến ngày 10-12-2015, công ty đã về đích trước 23 ngày. Về doanh số, năm 2015 công ty tăng hơn 14% so với năm trước.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cơ khí tiếp tục tăng trưởng ổn định. Năm 2015, ước tính giá trị sản xuất của ngành này đạt 117.017 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014. Bình quân giai đoạn 2011-2015, ngành này tăng 15,7%/năm. Ngành cơ khí ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; theo đó dự tính năm 2015 ngành này chiếm tỷ trọng 19,1%.

Điện, điện tử cũng là ngành đòi hỏi có công nghệ cao, gắn liền với trình độ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Sản phẩm của ngành đa dạng với các sản phẩm kỹ thuật điện, thiết bị điện, điện tử, vật liệu điện, thiết bị truyền thông... Những năm gần đây, tình hình đầu tư vào ngành điện, điện tử tại Bình Dương tăng mạnh. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành này đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) của ngành đạt 62.898 tỷ đồng, tăng 15,5% so năm 2013; năm 2015 dự kiến đạt 73.087 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2014. Giai đoạn 2011-2015, ngành điện, điện tử đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,4%/ năm. Mặt khác, điện, điện tử là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua. Tỷ trọng của ngành này cũng tăng đáng kể, từ 11,3% năm 2010 tăng lên 12,7% năm 2013 và dự kiến năm 2015 đạt tỷ trọng 13,2 %.

Ngoài ra, giai đoạn 2011- 2015, ngành hóa chất, cao su và plastic vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Cụ thể, năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) của ngành đạt 61.818 tỷ đồng, tăng 14,9% so năm 2013; năm 2015 ước đạt 71.462 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2014. Giai đoạn 2011-2015, ngành này tăng bình quân 14,6%/năm. Ngành hóa chất, cao su và plastic ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Kết quả cho thấy, năm 2010 ngành này chiếm tỷ trọng 13%; năm 2013 tăng lên 13,4% và dự kiến năm 2015 là 13,9% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

Bảo đảm phát triển bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2016 là năm có nhiều cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng là năm đặt ra nhiều thách thức. Do đó, để ngành CNCB tiếp tục phát triển ổn định và bảo đảm bền vững đòi hỏi các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần có những chính sách, chiến lược phù hợp, lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Miền Đông cho biết, năm 2016 là năm hết sức khó khăn với ngành bia tại Bình Dương nói riêng và ngành bia của Việt Nam nói chung, vì đây là năm đầu tiên thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt 5% theo lộ trình. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ xóa bỏ thuế quan, tạo sức cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành bia và các hãng bia trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam. Do đó, buộc lòng các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị kỹ khi gia nhập TPP. Để bảo đảm cạnh tranh trên thị trường, bia Sài Gòn cũng như các doanh nghiệp sản xuất bia khác, nhất là các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng, thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và phục vụ hệ thống khách hàng...

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế về nguồn nguyên liệu và theo hướng tăng tỷ trọng những mặt hàng tinh chế như chế biến nông - lâm - sản, thực phẩm; công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại. Các ngành công nghiệp khác như hóa chất, chế biến gỗ và dệt may - da giày sẽ tiếp tục tăng trưởng và có tỷ trọng nhất định trong cơ cấu công nghiệp của toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; đồng thời tăng tỷlệnội địa hóa, gắn với các ngành sản xuất linh kiện, phụkiện... nhằm tạo bước chuyển biến mạnh vềchất trong phát triển ngành công nghiệp. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợphục vụcho ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụtrợngành điện, điện tử, dệt may.

Tỉnh Bình Dương cũng sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống; cùng với đó xây dựng ngành công nghiệp đạt trình độ tiên tiến và hiện đại, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Mục tiêu quan trọng là đến năm 2020, Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn, tầm quốc gia và khu vực.

Theo đánh giá của Sở Công thương, để CNCB đạt được những kết quả trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện tốt, kịp thời các nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Từ đó đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến sự nỗ lực và chủ động của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất… nhằm giảm giá thành, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sản lượng và phát triển sản xuất.

 

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên