Công nhân lao động: Mua sắm mùa tết

Cập nhật: 26-01-2010 | 00:00:00

Vào những ngày giáp tết này, đối với những người đi làm ăn xa quê thì dù có bận rộn đến mấy đi nữa cũng phải dành ra một chút thời gian cho việc mua sắm để chuẩn bị về quê ăn tết với gia đình. Nhưng trước tình hình giá cả cứ tăng vùn vụt đến chóng mặt như vậy mà đồng lương dành dụm cả năm cầm trên tay lại quá ít ỏi, khiến những người con xa quê này cứ phải chần chừ, đắn đo.

Nhiều công nhân mua sắm chút quà về quê ăn tết với gia đình

Dành dụm sắm tết về quê

Nguyễn Hồng Quân, công nhân (CN) Công ty Gỗ Trường Thành và Lê Thị Thu Anh, CN Công ty Esquel là đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được vài tháng. Tết này, họ quyết định về quê ăn tết và ra mắt họ hàng hai bên gia đình ở Quảng Trị. Nhưng cả hai vợ chồng đang cố ra sức làm đến cận ngày tết mới nghỉ để có chút tiền sắm sửa về quê. Thay vì đi tàu cho an toàn, họ quyết định đi ô tô để dành tiền sắm tết về quê. Thu Anh bảo đã 2 năm rồi cô không về, nên năm nay không thể về tay không được. Đã thế, cô lấy chồng rồi, chẳng lẽ về ra mắt nhà chồng lại chỉ sơ sơ vài loại bánh kẹo. Ít nhất thì cũng phải mua cho mẹ chồng một cái áo len, bố chồng một đôi giày, chị chồng một khúc vải may áo, em chồng một cái quần jean... Thu Anh nói: “Dẫu có tốn kém nhưng đó là chút quà nghĩa tình đối với người thân ở quê nhân dịp xuân về nên vợ chồng mình vẫn chấp nhận”.

Cũng như vợ chồng Thu Anh và Hồng Quân, hàng trăm ngàn người con xa xứ đến Bình Dương mưu sinh đều có chung một suy nghĩ như vậy. Cả năm họ bám trụ với mảnh đất này để bươn chải kiếm sống, chỉ đến tết mới có dịp được về quê. Mà đã đi làm ăn xa thì trong suy nghĩ của bất cứ ai cũng đều là cố gắng kiếm tiền để mỗi dịp về quê mua sắm quà cáp cho người thân được vui vẻ và cũng để mong không bị người quê chê cười. Chính vì lẽ đó, mà nhu cầu mua sắm của những người con xa quê vào dịp giáp tết rất lớn. Nắm bắt được tâm lý ấy, những người bán hàng tại các chợ cho CN đang ra sức nhập rất nhiều mặt hàng về để phục vụ đối tượng này. Từ bánh mứt, quần áo, giày dép, túi xách... tất cả đều rất phong phú, đa dạng và phù hợp với túi tiền của CN đang được các chủ hàng ở đây bày bán. Nhưng cũng có một số thành phần dân buôn lợi dụng vào tâm lý ham của rẻ của các bạn CN nên đã nhập và buôn bán cả những mặt hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc là hàng quá đát để trục lợi. Vì vậy, dù có muốn mua hàng rẻ các bạn CN cũng phải xem xét kỹ trước khi bỏ tiền ra mua về.

Tấm lòng người con xa xứ

Ông bà ta thường nói: “Làm cả đời, ăn chơi ba ngày tết” quả không sai. Từ kẻ giàu đến người nghèo “lớn thuyền thì lớn sóng”, tất cả âu cũng chỉ là mong có một cái tết được đủ đầy. Nhưng với người có tiền thì chẳng nói làm gì, còn đối với những người dân nghèo thì tết đến với họ là những nỗi lo. Nhất là khi giá cả mọi thứ đều đang tăng đến chóng mặt. Đồng lương CN cầm trên tay còn ít ỏi, nó luôn tỷ lệ nghịch với những thứ mà họ phải trang trải trong cuộc sống hàng ngày. Tết đến, lòng họ lại trĩu nặng hơn trước giá cả hàng hóa ngày tết. Chứng kiến cảnh một nữ CN muốn mua cho em mình chiếc áo ấm về làm quà tết đã làm tôi cứ phải suy nghĩ mãi. Người bán hàng bảo cái áo ấy giá 130.000 đồng, người nữ CN trả 100.000 đồng, chị chủ cửa hàng quần áo kiên quyết bảo 130.000 đồng, không bớt. Cô CN suy nghĩ một lúc rồi trả 110.000 đồng. Người bán lắc đầu, cô CN bỏ đi nhưng cứ nghĩ em mình có được cái áo đó chắc sẽ thích lắm nên một lát sau cô gái ấy quay lại trả thêm vài ngàn nữa. Chị chủ quán vẫn lắc đầu bảo không đủ vốn. Cô gái lại bỏ đi, một lúc sau lại quay lại năn nỉ: “Thôi, chị bán cho em 120.000 đồng nhé. Bán cho em đi chị”. Thấy cô gái nài nỉ tha thiết quá nên lần này người bán hàng đã gật đầu. Cô gái ấy đã mua được chiếc áo ấm về làm quà cho em mình, nhưng từ đây đến ngày về cô còn phải đắn đo bao nhiêu lần như thế nữa mới có được chút quà về quê cho người thân khi đồng lương của cô nhận được mỗi tháng còn quá ít ỏi.

Anh Nguyễn Văn Khánh, ngụ tại Khu dân cư Minh Tuấn, ấp Bình Đáng, xã Bình Hòa, Thuận An cũng hí hửng khoe với mọi người chiếc tivi LCD màn hình phẳng 32 inch hiệu Sony mà anh vừa mới sắm để về làm quà tết cho bố mẹ anh ở Thái Bình. Anh Khánh hiện đang là nhân viên Công ty Unilever, anh tâm sự: “Tôi vào Bình Dương sống và làm việc năm nay là năm thứ ba. Mấy năm trước thì mới nên khi về tết chẳng sắm sửa được gì, năm nay tôi làm cũng có chút tiền, gọi điện về hỏi ông bà già thích gì để biết đường mua quà nhưng hai ông bà đều bảo chẳng cần gì, chỉ cần con cái về đông đủ là vui rồi. Tôi thấy cái tivi ở nhà đã cũ quá rồi, với lại bố tôi rất thích xem bóng đá nên quyết định sắm cái tivi này về làm quà tết cho hai ông bà”.

Cả năm biền biệt nơi đất khách, ngày tết mới có dịp về quây quần, đoàn tụ với gia đình. Việc sắm chút quà về quê là chuyện đương nhiên. Những món quà ấy không chỉ đơn giản là những sản phẩm của một việc làm theo thông lệ mà trên hết nó chứa đựng cả tấm lòng của người mua. Chị Thu Anh tâm sự: “Việc đi sắm hàng về quê ăn tết không chỉ là thói quen thường lệ của tôi mà của tất cả những người con đi làm ăn xa xứ khác. Với tôi, cứ mỗi lần lỉnh kỉnh xách đồ về đến đầu ngõ, nhìn thấy đôi mắt ánh lên niềm vui và xúc động của mẹ, nụ cười rạng rỡ của cha và tiếng hò reo của bầy em nhỏ lòng tôi lại dâng lên niềm hạnh phúc và ấm áp. Chính cái tình quê đó đã khiến tôi dù có đi bất cứ nơi đâu cũng không thể quên được nơi chôn rau cắt rốn của mình”.

Ngọc Thanh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên