Mặc dù công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh đạt kết quả khả quan. Bình Dương đã đạt mức sinh thay thế, tỷ lệ người giảm sinh con thứ ba ngày càng giảm... Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tiềm năng sinh sản, tỷ số giới tính mất cân bằng cao...
Còn nhiều khó khăn
Bác sĩ Văn Quang Tân, Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá, công tác DS-KHHGĐ có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình một hoặc hai con được chấp nhận ngày càng phổ biến. Năm 2003, tỉnh đã duy trì mức sinh thay thế và được duy trì trong nhiều năm liền. Công tác truyền thông, vận động, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được đẩy mạnh và phát huy tác dụng. Chất lượng DS từng bước được nâng cao. Cụ thể, trong năm 2010, tổng số sinh trên 13.100 người, trong đó số người sinh con thứ 3 trở lên là 719 người, chiếm tỷ lệ 5,5%, giảm 1,6% so với năm 2009; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai gần 126% so với chỉ tiêu; tỷ suất sinh giảm 0,6%o.
Đẩy mạnh tuyên truyền là một trong những giải pháp có hiệu quả
Thành tích này là kết quả của sự đồng thuận, nỗ lực đóng góp của toàn xã hội trên cơ sở sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự toàn tâm của cán bộ chuyên trách và cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ cũng còn nhiều thách thức. Quy mô và chất lượng DS chưa ngang tầm với nhu cầu phát triển của xã hội. Mức giảm sinh tuy đã giảm nhưng chưa thực vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh DS trở lại, đặc biệt tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm chậm, cũng như xuất hiện mất cân bằng giới tính khi sinh (tỷ số giới tính khi sinh khá cao 111 bé trai/100 bé gái)...
Chia sẻ vấn đề này, chị Trần Thị Mười Bảy, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông DS được gắn với phong trào chung của hội. Cụ thể là được tuyên truyền lồng ghép với 6 chương trình thi đua của các cấp hội và phong trào “5 không, 3 sạch” của Trung ương hội. Để tuyên truyền đạt hiệu quả, Hội đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ thành lập được 20 Câu lạc bộ (CLB) Dân số phát triển, 8 CLB không sinh con thứ 3 và đang củng cố trên 20 CLB Gia đình hạnh phúc với trên 550 thành viên. Tuy nhiên, vấn đề tuyên truyền không sinh con thứ 3 vẫn còn gặp nhiều khó khăn đối với những gia đình khu vực nông thôn, sinh con một bề hay có kinh tế khá giả. Họ có quan niệm, con họ sinh họ nuôi...
Nhìn nhận vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo mục tiêu quốc gia về DS cho biết, việc thay đổi quan niệm, tâm lý của người dân còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến về việc sinh con, muốn có đông con nhiều cháu và phải có con trai để nối dõi tông đường còn là việc làm hết sức khó khăn, lâu dài và phức tạp.
Nhiều giải pháp thay đổi hành vi
Trước những thách thức của công tác DS-KHHGĐ, bác sĩ Huỳnh Văn Nhị đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể, để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả, các ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh thực hiện nhiều nhiệm vụ như, công tác DS-KHHGĐ là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội, chú ý những gia đình đã có đủ 2 con; hạn chế dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Đồng thời, đòi hỏi những người làm công tác DS-KHHGĐ phải kiên trì, bền bỉ vận động và thuyết phục nhân dân chuyển đổi hành vi, tự nguyện thực hiện mô hình gia đình ít con khỏe mạnh, đặc biệt vùng nông thôn, vùng xa và khu vực đông dân cư.
Chị Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, Hội cũng có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền. Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, bền vững, ấm no và hạnh phúc.
Đóng góp cho giải pháp thực hiện công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh thanh tra Tổng cục DS-KHHGĐ: Bình Dương nên nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác truyền thông, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp; chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông DS, cụ thể là chủ động phát hiện những vấn đề mới phát sinh để có những mô hình mới, đổi mới phương pháp tiếp cận...
THU THẢO