Cụ bà cao tuổi nhất VN từ chối lập kỷ lục thế giới

Cập nhật: 29-09-2011 | 00:00:00

Sống đến nay 118 tuổi, nhiều hơn 4 tuổi so với người giữ kỷ lục già nhất thế giới vừa mới qua đời, nhưng bà Nguyễn Thị Trù ở TP.HCM cho biết không nghĩ đến việc đăng ký kỷ lục Guiness mà chỉ mong đủ trầu cau để ăn.

Giấy chứng minh và sổ hộ khẩu gia đình có ghi rõ, bà Nguyễn Thị Trù sinh ngày 4-5-1893. Như vậy, tính đến nay bà cụ đã được 118 tuổi, 144 ngày (nhiều 3 năm, 196 ngày so với bà Maria Gomes Valentim giữ kỷ lục cao tuổi nhất thế giới đã qua đời hồi đầu năm nay).

Tuy nhiên trò chuyện với PV tại tư gia (ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), bà cụ bày tỏ, không có nguyện vọng đăng ký kỷ lục thế giới và thú thật "không biết kỷ lục này là gì".

 Cụ Nguyễn Thị Trù, 118 tuổi, vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận là người cao tuổi nhất nước ta hiện nay. "Hiện tại bà chỉ mong có trầu cau ăn hàng ngày, được mọi người đến thăm là vui lắm rồi, không mong gì hơn", bà cụ cao tuổi nhất Việt Nam cười với đôi môi đỏ thắm vì ăn trầu, với đầy đủ răng chưa rụng cái nào.

Hầu hết con cháu của cụ Trù cũng cho biết chưa nghĩ đến việc đăng ký kỷ lục thế giới vì ngại những khoản kinh phí, thủ tục rườm rà. "Má tôi sống thọ đến giờ, được Nhà nước và mọi người quan tâm là gia đình tôi mừng lắm rồi. Xưa đến nay bà cụ không được công nhận kỷ lục gì hết mà gia đình vẫn sống yên ổn, giờ chúng tôi cũng không muốn phiền phức gì thêm", ông Nguyễn Hữu Phương, 69 tuổi, con trai út của bà, nói.

Trông bà cụ vẫn còn rất khỏe mạnh, tự đi lại bình thường, trí tuệ vẫn rất minh mẫn trừ việc hơi bị lãng tai. Sống đến tuổi "cổ kim xưa nay hiếm", bà Trù chỉ nhớ mình có 11 người con trong đó 4 người còn sống. Có 31 đứa cháu nội ngoại nhưng bà cụ cho biết không thể nhớ hết tên từng đứa, riêng số chắt chít thì "không đếm hết".

Sau khi trao chứng nhận cao tuổi nhất Việt Nam cho bà cụ, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã tư vấn cho gia đình về các thủ tục làm hồ sơ đăng ký kỷ lục thế giới. Tuy nhiên ông Nguyễn Thái Bình, biên tập viên sách kỷ lục Việt Nam cho biết, quy trình và thủ tục để đề xuất kỷ lục thế giới cho một người cao tuổi như cụ Trù là "vô cùng khó khăn". Trong khi đó, tổ chức kỷ lục trong nước chỉ có vai trò tư vấn chứ không đăng ký hộ, chính gia đình cụ phải tự thực hiện các thủ tục xin xét duyệt cũng như phải chi trả phí hơn 2.000USD.

"Sau khi gửi hồ sơ giấy chứng minh, sổ hộ khẩu, tổ chức kỷ lục thế giới còn yêu cầu gửi mẫu móng tay, tóc, tế bào da... để làm xét nghiệm xác định số tuổi chính xác của các cụ. Tiếp theo gia đình phải nộp hơn 2.000USD là tiền phí vé máy bay đi lại, ăn ở cho nhân viên của tổ chức này đến Việt Nam xác nhận lại mọi thông tin một lần nữa. Và còn nhiều thủ tục khác, có khi quy trình này kéo dài cả một năm", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, chính vì những thủ tục rườm rà, đặc biệt là khoản kinh phí không hề nhỏ trên mà Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lập kỷ lục Guiness. Trong khi đó, bản thân người được chứng nhận kỷ lục này chỉ được "tiếng" mà không có thêm quyền lợi gì, nên thường những gia đình nghèo đều từ chối đăng ký.

"Chúng tôi đang vận động các nhà hảo tâm tài trợ khoản kinh phí hơn 2.000USD trên hy vọng giúp cụ Trù làm thủ tục xác lập kỷ lục thế giới", ông Bình cho biết thêm.

Sau khi PV thông tin về trường hợp cụ Trù 118 tuổi được ghi nhận cao tuổi nhất Việt Nam (còn sống đến nay), nhiều độc giả tỏ ra tiếc nuối cho bà cụ không được công nhận trên phạm vi thế giới, trong khi kỷ lục toàn cầu mới chỉ ghi nhận đến 114 tuổi.

"Nếu cụ Trù 118 tuổi thì đã trở thành người cao tuổi nhất thế giới rồi. Tại sao Việt Nam mình không liên lạc và công bố cho kỷ lục thế giới công nhận cụ Trù là người cao tuổi nhất nhỉ. Thật là uổng phí và đáng tiếc cho Việt Nam, những người này cần phải được chính quyền quan tâm hơn nữa", độc giả tên Đặng bày tỏ.

Còn độc giả Lưu Văn Tuân bày tỏ lo ngại ở Việt Nam, việc khai sinh trong những năm chiến tranh rất lung tung, người khai tăng tuổi để xin đi bộ đội rất nhiều hoặc một lý do rất phổ biến là không nhớ được năm sinh, nên khi cán bộ hỏi thì nói bừa cho có, vì ngày đó năm sinh, tháng sinh không mấy quan trọng.

Anh Tuân kể: "Ngay như ông nội tôi sinh năm 1938, nghe ông kể lúc ấy đang cày ngoài ruộng có đoàn cán bộ tới hỏi nên ông khai là sinh năm 1932... Nói cho cùng thì các cụ nhà ta tuổi tác không được chính xác cho lắm đâu".

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên