Cử tri kiến nghị phát triển khoa học công nghệ một số ngành quan trọng

Cập nhật: 23-08-2010 | 00:00:00

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: “Việc phát triển khoa học công nghệ ở nước ta hiện nay tập trung quá nhiều vào ngành công nghệ thông tin mà chưa quan tâm đến các ngành có vị trí quan trọng khác như ngành cơ khí chế tạo, công nghệ chế biến... Đề nghị có giải pháp khắc phục hạn chế này”. Vấn đề kiến nghị của cử tri được Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) có văn bản trả lời, như sau:

Về đầu tư và phát triển KHCN trong các ngành, lĩnh vực

Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư và đã có bước phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, CNTT chỉ là một trong số các lĩnh vực công nghệ cao được Đảng và Nhà nước ta ưu tiên đầu tư phát triển. Trong khung khổ hệ thống chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước, ngoài chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (KC.01/06-10) còn có các chương trình sau:

Chương trình KC.02/06-10: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vật liệu; Chương trình KC.03/06-10: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tự động hóa; Chương trình KC.04/06-10: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; Chương trình KC.05/06-10: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cơ khí chế tạo; Chương trình KC.06/06-10: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất sản phẩm chủ lực; Chương trình KC.07/06-10: Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; Chương trình KC.08/06-10: KHCN phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Chương trình KC.09/06-10: KHCN biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; Chương trình KC.10/06-10: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Việc bảo đảm đầu tư và triển khai đồng bộ các chương trình phát triển KHCN thuộc các ngành, lĩnh vực có ý nghĩa then chốt nói trên đã từng bước được xây dựng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước:

- Trong cơ khí chế tạo: Ngành cơ khí tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo được nhiều thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng và có giá trị rất lớn. Cổng trục 450 tấn (cao 85m, dài 120m, tự trọng 3.000 tấn) phục vụ Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, được chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa 90% là thiết bị siêu trường, siêu trọng lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chúng ta cũng đã chế tạo thành công cổng trục 700 tấn phục vụ nhà máy đóng tàu Dung Quất; cần trục 500 tấn phục vụ nhà máy thủy điện Se San; cẩu 1.200 tấn và hệ thống xy lanh thủy lực phục vụ thủy điện Sơn La thay thế hàng nhập ngoại và rút ngắn thời gian thi công. Các nhà khoa học trong ngành cơ khí chế tạo cũng đã làm chủ công nghệ chế tạo máy biến áp công suất lớn tới 125 MVA ở cấp điện áp cao tới 220 kV. Các sản phẩm cơ khí này đã giúp giảm hàng trăm triệu USD để nhập khẩu thiết bị.

- Trong y tế: Từ việc triển khai các chương trình KHCN trọng điểm về y dược, trình độ y học của nước ta đã từng bước được nâng lên ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đã chủ động sản xuất được 9/10 loại vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng, do vậy nhiều loại bệnh hiểm nghèo đã được phòng ngừa và từng bước được thanh toán như bệnh bại liệt, viêm não... Nhiều bệnh tật mới phát sinh, nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1 đã sớm có được kỹ thuật chẩn đoán và điều trị kịp thời, có hiệu quả; đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người như nội soi, siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, các kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị các bệnh mạch vành tim, mạch máu não, quy trình kỹ thuật ghép thận, ghép gan. Chúng ta cũng đã có khả năng nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ quy trình sử dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh ung thư, nhồi máu cơ tim, bệnh giác mạc, các tổn thương cơ xương khớp khó liền với giá thành điều trị thấp hơn nước ngoài, mỗi năm tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng.

- Trong nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hàng loạt công trình KHCN đã được triển khai và đạt được nhiều thành tựu to lớn về tạo giống, quy trình canh tác... góp phần quan trọng nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước.

+ Đối với cây lương thực: Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn, đến nay trên 90% diện tích lúa được trồng bằng giống cải tiến (giống lúa mới chọn tạo, nhập nội và thích nghi), trên 85% diện tích ngô trồng bằng giống ngô lai. Nhiều giống lúa chịu phèn, chua, mặn, chịu hạn... được áp dụng sản xuất đại trà, góp phần mở rộng diện tích trồng lúa nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong vòng gần 20 năm qua, năng suất lúa bình quân năm 2008 đạt 52,23 tạ/ha gấp 2,03 lần năm 1990 (25,7 tạ/ha) và Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.

+ Đối với cây công nghiệp: Các tiến bộ KHCN về giống cây cao su (cho năng suất cao) và kỹ thuật thâm canh rút ngắn thời kỳ kiến thiết cơ bản 1-2 năm đã góp phần đưa sản lượng cao su tăng hơn 10 lần so với năm 1990, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu, mang về cho đất nước 1,59 tỷ USD (2008). Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chiếm 50% thị phần và đứng đầu thế giới, mang về cho đất nước hơn 300 triệu USD (năm 2007). Những kết quả nghiên cứu về giống, thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh, phương pháp thu hoạch, chế biến đối với cây cà phê đã góp phần quan trọng đưa sản lượng cà phê của Việt Nam lên 900 ngàn tấn (tăng 10 lần so với năm 1990) và liên tục trong nhiều năm Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới với kim ngạch 1,5 tỷ USD (năm 2007).

+ Đối với chăn nuôi - thú y: Việc tiến hành lai tạo giống bò trong nước với một số giống bò ngoại nhập để nâng cao tầm vóc và năng suất thịt đã được thực hiện rộng rãi trong toàn quốc. Tới năm 2005 đã có khoảng 25% bò lai trên tổng lượng đàn bò. Đàn bò sữa tăng từ gần 4.000 con năm 1985 lên gần 110.000 con năm 2008. Công nghệ cấy chuyền phôi đã ứng dụng thành công trong nhân nhanh các giống bò quý, cao sản. Chương trình nạc hóa đàn lợn với các công thức lai 2-3 máu giữa lợn ngoại với lợn nội cho tỷ lệ nạc cao (49-52%); lai 3-4 máu ngoại cho tỷ lệ nạc 56-60%. Đã chọn lọc, thích nghi được nhiều giống gia cầm như gà nuôi lấy thịt, gà nuôi lấy trứng; các giống vịt siêu trứng, siêu cao sản.

+ Đối với thủy sản: Cùng với các bộ ngành, địa phương liên quan, Bộ KHCN đã có các chương trình, nhiệm vụ KHCN nghiên cứu thành công, tạo ra các công nghệ về sinh sản nhân tạo và sản xuất giống tôm, cá, nhuyễn thể, kể cả các loài hải sản có giá trị cao (sinh sản nhân tạo tôm sú, tôm rảo, cá basa, cá tra, cá chim trắng, cá song, cá hồng, ngao, tu hài, ốc hương, cua biển...), làm chủ về kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh cho tôm, cá nuôi. Các kết quả nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã đạt trình độ tương đương của thế giới và khu vực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng vượt bậc của ngành thủy sản với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD (2008), gấp 22 lần kim ngạch năm 1990 và gấp 220 lần năm 1980. Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn HACCP, đáp ứng thị trường Nhật Bản, EU và Mỹ.

+  Đối với thủy lợi: Trong những năm qua các đề tài, dự án nghiên cứu KHCN cũng đã có các kết quả ứng dụng có hiệu quả, như: Thiết kế xây dựng lắp đặt hệ thống SCADA để tự động hóa quản lý (điều khiển và giám sát tự động từ xa các hệ thống công trình thủy lợi) giảm 25-30% chi phí quản lý vận hành; ngăn sông bằng công nghệ đập trụ đỡ (đã ứng dụng ở công trình đập Thảo Long - Thừa Thiên Huế, cống Đò Điệm - Hà Tĩnh và 14 công trình ở Đồng bằng sông Cửu Long). Áp dụng công nghệ này đã giảm chi phí xây dựng khoảng 50% so với phương án truyền thống. Cùng với công nghệ đập trụ đỡ, công nghệ đập xà lan di động cũng đang được áp dụng rộng rãi trên hàng chục công trình ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các công nghệ thi công công trình hiện đại khác như khoan phụt vữa áp lực cao, cọc bê-tông cốt thép dự ứng lực, bê-tông đầm lăn... đã áp dụng thành công ở nhiều công trình như: Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Kè sông Đồng Nai khu vực Biên Hòa, Kè biển thị xã Hà Tiên, Kiên Giang...

Cùng với những thành tựu phát triển KHCN ở các ngành, lĩnh vực nêu ở trên, Bộ KHCN cũng nhận thấy, đối với riêng ngành công nghệ chế biến, mặc dù đã có những thành tựu khích lệ về làm chủ công nghệ trong chế biến lương thực, thực phẩm; thức ăn chăn nuôi; chế biến, bảo quản rau quả; chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp (cà phê, chè, hạt điều,...) nhưng năng lực chế biến, cũng như là bảo quản, ở quy mô công nghiệp còn yếu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát huy năng lực chế biến ở quy mô công nghiệp không chỉ dựa vào riêng việc ứng dụng tiến bộ KH&CN mà rất cần những sự hỗ trợ khác liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư phát triển vùng sản xuất và vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp. Theo đó, để phát triển được ngành công nghệ chế biến ở nước ta, cần có thêm sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan ở trung ương và địa phương trong việc hoạch định phát triển các vùng nguyên liệu và các cụm sản xuất công nghiệp theo lợi thế và đặc trưng của từng vùng, miền, khu vực.

Định hướng giải pháp thực hiện

Những trình bày ở trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm và tập trung đầu tư để phát triển KHCN ở những ngành, lĩnh vực có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Những thành tựu KHCN đạt được trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thoát khỏi ngưỡng nghèo, có thu nhập thấp (năm 2009). Trong giai đoạn tới, Bộ KHCN sẽ tập trung thực hiện các định hướng giải pháp, như sau:

-  Tiếp tục tập trung phát triển KHCN các ngành, lĩnh vực có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế (cơ khí chế tạo, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin,...) thông qua triển khai thực hiện các Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, các chương trình KHCN của các bộ ngành.

- Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KHCN, xây dựng chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh cán bộ nghiên cứu KH. Phát triển các trung tâm ứng dụng, chuyển giao CN và tăng cường năng lực của các trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các địa phương; xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học, các khu công nghệ cao; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thông tin KHCN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH có năng lực, khuyến khích, đãi ngộ các chuyên gia giỏi nước ngoài tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ.

- Đẩy mạnh các hoạt động đổi mới CN, chuyển giao CN trong các DN. Bộ KHCN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng suất - chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN.

- Thúc đẩy phát triển nhanh và hiệu quả hệ thống Quỹ phát triển KHCN, Quỹ đổi mới CN quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm CN cao quốc gia nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới CN trong các ngành, các lĩnh vực.

(Nguồn: VP. Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên