Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng từ đầu năm 2011 đến nay vi-rút cúm A/H1N1 đã được ghi nhận tại 30 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, số ca mắc cúm A/H1N1 năm 2011 tăng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2010.
Cúm A/H1N1 đang lan rộng
Những tháng đầu năm 2010 cả nước có 84 ca mắc cúm A/H1N1, trong đó có 5 ca tử vong thì cùng kỳ năm 2011 số ca mắc cúm A/H1N1 tính đến thời điểm này đã trên 220 ca, trong đó có 7 ca tử vong tại 06 địa phương. Cụ thể, ở Điện Biên từ 14 đến 20-2, tại trường Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé đã có 91 ca có biểu hiện nghi nhiễm cúm, 18/19 mẫu được gửi về xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho kết quả dương tính với H1N1. Còn tại Bình Phước từ 22-2 đến 9-3 trong một cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp nhiễm cúm, 11 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1 đại dịch.
Bệnh nhân đến khám do nghi cúm A/H1N1 rất đông dù đã gần 11h trưa, ảnh chụp ngày 15-3
Cũng theo ông Bình, các trường hợp tử vong chủ yếu có bệnh mãn tính kèm theo (01 trường hợp có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; 01 trường hợp bị khối u trung thất; 01 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 01 trường hợp viêm ruột hoại tử).
Ngày 15-3, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ số ca mắc cúm A/H1N1 từ đầu năm 2011 đến nay (cụ thể từ 17-1 đến hết 14/3) là 147 ca, trong đó bệnh nhân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội là 120 ca, 27 ca còn lại ở các tỉnh thành lân cận. Số bệnh nhân nhập viện hầu hết có biểu hiện: ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân... trong đó có 6 ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và điều trị tích cực.
Các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh
Bệnh nhân T.T.H.T (21 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) có thai 28 tuần đang điều trị tại viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, ban đầu em chỉ bị ho, sốt nhẹ nên chủ quan, không đi khám mà chỉ ra hàng thuốc mua thuốc cúm thông thường về uống. Mấy hôm liền không khỏi, khắp người đau mỏi, nước mũi chảy nhiều, đi khám mới biết bị cúm A/H1N1. Cũng may, em đến viện chưa muộn, nên chỉ phải điều trị 1, 2 tuần thôi, bác sĩ cũng cho biết, quá trình điều trị không ảnh hưởng đến thai nhi.
Trước nguy cơ bùng phát đại dịch, Bộ Y tế cảnh báo trong mùa xuân, điều kiện thời tiết lạnh ẩm tạo thuận lợi cho vi rút cúm A/H1N1 phát triển và lây lan, đặc biệt tại các trường học, cơ quan, nhà máy, những nơi tập trung đông người.
Để chủ động ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1, cần thực hiện những biện pháp sau, người bệnh có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tránh lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.
Ngoài ra, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm. Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.
Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng - Nguyễn Văn Bình khuyến cáo.
Theo Dân Trí