Cùng chăm lo cho trẻ mầm non

Cập nhật: 28-11-2014 | 08:54:57

Hàng năm, nhu cầu học tập của trẻ mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh tăng cao, bình quân tăng 6.000 - 9.000 trẻ mỗi năm, do lượng dân ngoài tỉnh đến Bình Dương lập nghiệp ngày càng tăng. Mỗi năm tỉnh đều quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường lớp, nhưng vẫn không đủ đáp ứng chỗ học cho trẻ MN. Cũng từ đó, trường, nhóm lớp MN tư thục phát triển, đã giải quyết được nhu cầu gửi con của người lao động.

 Trường Mẫu giáo Vinh Hỷ (TX.Thuận An) do Công ty Shyang Hung Cheng đầu tư xây dựng để nuôi dạy trẻ cho con em người lao động của công ty Ảnh: A.SÁNG

Xã hội cùng chăm lo

Một trong những địa phương có lượng trẻ MN, mẫu giáo tăng cao là TX.Dĩ An. Ông Trần Đăng Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) TX.Dĩ An, đánh giá trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non (XHH GDMN) đã có những chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới MN ngoài công lập (NCL) phát triển nhanh trên khắp địa bàn thị xã, số cháu theo học tại các cơ sở MN tư thục chiếm tỷ lệ khá cao so với số trẻ ra lớp trong toàn thị xã. Đa số các cơ sở MN NCL được cấp phép có cơ sở vật chất bảo đảm theo yêu cầu tối thiểu của ngành, một số cơ sở xây dựng kiên cố, khang trang, có sân chơi, đồ chơi ngoài trời, bếp ăn đều được xây dựng và cải tạo theo quy trình bếp một chiều…

Ở TX.Thuận An cũng vậy, các địa phương đã thực hiện khá tốt XHH GDMN, hỗ trợ tích cực cho ngành trong công tác huy động trẻ đến lớp, đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ, đặc biệt là công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. TX.Tân Uyên cũng được xem là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác XHH GDMN. Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Tân Uyên, cho biết công tác XHH GDMN cho trẻ 5 tuổi của thị xã tiếp tục đi vào thực chất, góp phần đáng kể vào việc thực hiện đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên từng địa bàn. Từ sự đóng góp của phụ huynh, các tổ chức, cá nhân, một số trường đã xây dựng bếp ăn, láng sàn nước, sân, làm nhà vệ sinh cho trẻ…

Theo bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT tỉnh, GDMN NCL đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển quy mô mạng lưới trường lớp MN trong tỉnh, tổ chức và hoạt động khá đa dạng với mức chi phí chăm sóc, giáo dục trẻ tăng giảm linh hoạt theo thời giá và khả năng của phụ huynh. Thời gian đưa đón, giữ trẻ linh động cả trong và ngoài giờ hành chính, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ, phù hợp với điều kiện và mức sống của người dân, từ đó đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt phụ huynh là công nhân lao động.

Tỉnh tạo điều kiện

Công tác XHH GDMN trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Một số doanh nghiệp đã dành quỹ đất và đầu tư kinh phí xây dựng trường MN, mẫu giáo cho con em công nhân như: Công ty Hài Mỹ, Công ty Yazaki, Công ty Shyang Hung… Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện, cấp đất cho một số cá nhân xây dựng trường MN. Tính đến nay, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất với khoảng 63.497m2 cho 13 cá nhân, đơn vị doanh nghiệp, tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng 13 cơ sở GDMN khá khang trang với trang thiết bị, đồ chơi đầy đủ, hiện đại. “Được tỉnh giao đất, đã giúp chúng tôi cùng chung tay góp sức với ngành GD-ĐT chăm lo tốt việc học tập cho trẻ mẫu giáo. Hiện trường có quy mô tiếp nhận khoảng 500 cháu, đa số học sinh của trường là con em công nhân lao động”, ông Nguyễn Viết Hiếu, Hiệu trưởng trường MN Bé Yêu (TP.Thủ Dầu Một) cho biết.

Cùng với đó, ngành GD-ĐT còn hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ MN NCL. Cũng theo bà Trang, ngành đặc biệt quan tâm chú trọng bồi dưỡng cho các trường MN tư thục nâng cao năng lực quản lý, nắm vững và triển khai có hiệu quả các văn bản quy định hiện hành, bồi dưỡng kiến thức dinh dưỡng - vệ sinh an toàn thực phẩm cho cô nuôi, bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cho cô bảo mẫu và người nuôi giữ trẻ ở các nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập và nhóm trẻ gia đình.

Định hướng phát triển GDMN NCL

Bà Trang cũng cho biết thêm, giai đoạn 2014-2015, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có chủ trương tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp của ngành, quan tâm bố trí quỹ đất, mời gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển các trường MN phục vụ nhân dân. Có chính sách hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đóng góp kinh phí xây dựng trường lớp, kinh phí hỗ trợ cho những hoạt động của các trường trên địa bàn, nhất là trường MN ở khu công nghiệp, để công nhân có nơi gửi con vì nếu giao hoàn toàn cho tư nhân thì con em công nhân và nhân dân lao động có thu nhập thấp sẽ không có điều kiện được hưởng sự chăm sóc giáo dục tốt từ những cơ sở GDMN tư thục có chất lượng. Ngành tiếp tục quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, đạo đức, tình thương và ý thức trách nhiệm đối với trẻ cho đội ngũ GDMN NCL. Thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong quản lý những cơ sở GDMN ngoài công lập; trong đó ngành GD-ĐT luôn giữ vai trò chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp và các lực lượng xã hội phải ý thức được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cấp mình, ngành mình trong sự nghiệp phát triển GDMN của địa phương nói chung, quản lý GDMN NCL nói riêng.

 

 A.SÁNG - N.THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X