Cùng chia sẻ nỗi đau...

Cập nhật: 28-07-2011 | 00:00:00

 Kỳ 1. Trăm hoàn cảnh, vạn nỗi đau

Đến thăm từng gia đình nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), mới biết mỗi nạn nhân, mỗi gia đình nạn nhân có một hoàn cảnh, nỗi đau riêng mà suốt đời không sao xóa được. Ai trong số họ cũng cố gắng lạc quan sống và làm ăn để vượt lên chính mình.

  Ông Nguyễn Văn Thỉ đỡ đần cho con (Nguyễn Thế Dũng) từ những sinh hoạt nhỏ nhất

Từ nhẹ...

Không tận mắt chứng kiến nhưng khi được nghe ông Đặng Xuân Sinh, kể: “Lúc đó, tôi đóng quân ở Bù Gia Mập (Bình Phước). Ở dưới hầm nhìn lên, ngày nào cũng thấy máy bay đế quốc Mỹ rải chất độc bao hết bầu trời, dày đặc như sương mù. Thế nhưng, ai có biết đó là chất độc hóa học gây thảm họa cho nhân loại”... Ông Sinh bây giờ là thương binh 4/4 ở khu 8, phường Phú Hòa (TX.TDM). Một thời tham gia kháng chiến, từ Hà Nội, ông vào Phước Long, đóng quân ở Bù Gia Mập, trong đợt chống càn (1969), chẳng may bị thương ở tay. Vậy mà sau đó, ông tiếp tục về khu 10, Lộc Ninh làm nhiệm vụ tiếp quản (7-4-1972), cho đến ngày giải phóng, ông mới về làm giáo viên trường bổ túc Văn hóa công nông. 47 tuổi, ông về hưu vì hạn chế sức khỏe và gia đình khó khăn...

“Tưởng rằng ngoài vết thương ở tay ra, tôi vẫn khỏe khoắn bình thường. Nào ngờ một lần giám định y khoa, mới biết mình đã bị nhiễm CĐDC và rồi 2 đứa con gái của tôi cũng bị nhiễm nhưng so ra vẫn nhẹ hơn bao người khác” - ông Sinh nói và cảm thấy hạnh phúc vì con mình hiện có việc làm, cuộc sống gia đình ổn định.

Đến nặng...

Có dịp đến thăm, tìm hiểu các gia đình có nạn nhân CĐDC, nên được biết có lẽ may mắn chỉ đến với cha con ông Sinh. Như gia đình ông Nguyễn Đình Chiến, thương binh 2/4 ở Khu dân cư Phú Hòa bị nhiễm CĐDC cả 2 thế hệ. Tâm sự với chúng tôi, ông Chiến say mê chìm đắm về một thời quá khứ hào hùng của mình “làm cách mạng trước tiên, tôi làm bộ đội thông tin, sau đó đi học y tá, y sĩ rồi đến bác sĩ, ở đâu cũng phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Năm 1965, trước tình hình Mỹ bắn phá ác liệt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, cán bộ, chiến sĩ đói nhưng vẫn hành quân đến Bù Gia Mập. Tham gia kháng chiến, 3 lần bị thương, đến khi giám định mới biết sức khỏe của mình chỉ còn 50%”.

Bước vào nhà, vợ ông - bà Huỳnh Thị Nhi liền chỉ tay tôi lên phòng người con trai đã được 37 tuổi nhưng cả đời anh Nguyễn Đức Thắng chỉ biết làm bạn với chiếc đi-văng và tivi không hơn không kém. Bà chỉ anh và nói: “Vậy đó, làm cái gì cũng một chỗ. Nhà thì không có ai, từ sáng đến giờ, phường gọi ra lĩnh tiền trợ cấp mà có đi được đâu. Cố gắng sắp xếp chạy vù ra lĩnh rồi về”. Không hỏi, nhưng bà vẫn tiếp tục kể như hồi tưởng lại ký ức và nỗi đau năm tháng: “Tôi và ông ấy sinh nó ra ở trong căn cứ, nuôi hoài mà không thấy phát triển. Nó cứ như đứa bé lúc biết, lúc không. Sau này đi khám bệnh mới biết nó bị nhiễm CĐDC. Thấy vậy, vợ chồng tôi mới sinh thêm 2 đứa con. 2 đứa rất khỏe mạnh, bây giờ có việc làm ổn định và đã có gia đình”. Trong sinh hoạt hàng ngày, anh Thắng đều phải nhờ bố mẹ trợ giúp. Anh bị nhiễm rất nặng, đến nỗi không lăn trở được.

Nỗi đau của anh Thắng phần nào cũng được động viên bởi anh được sống trong một gia đình an vui và đầy đủ. Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Thỉ (Định Hòa, TX.TDM) thì khó khăn chồng chất. Quê ông ở Quảng Trị. Trong những ngày tham gia chiến đấu, vận chuyển hàng hóa, lương thực cho bộ đội, ông cũng bị nhiễm CĐDC và sau này 2 con ông cũng bị nhiễm, nhưng di chứng lại nặng hơn ông. Để trang trải cuộc sống, hàng ngày, vợ chồng ông may vá kiếm tiền. Thế nhưng, công việc đâu trôi chảy bởi đứa con thứ của ông bị tê liệt hoàn toàn. Mỗi cử động của con, cả hai vợ chồng phải đỡ đần hết.

Năm nay, ông Thỉ tròn 70 tuổi. Với cái tuổi đó đáng lý ra ông phải được hưởng thụ cả về tinh thần lẫn vật chất. Ông kể: “Chất độc hóa học đã làm cho tôi u tuyến tiền liệt, thoái hóa 5 đốt sống, các móng tay, móng chân thường xuyên bị nấm. Con trai cả của tôi cũng vậy, chỉ có thằng này sao mà bị nhiễm nặng quá”. Bệnh thì bệnh nhưng ông vẫn phải làm để nuôi con. Giờ đây, con trai cả của ông đang là sinh viên trường Đại học Giao thông -Vận tải (TP.HCM). Nhắc đến anh cả Nguyễn Thế Anh, ông xúc động đến nỗi rơi nước mắt: “Nó mặc cảm lắm. Ở trường thông báo nếu sinh viên là nạn nhân CĐDC sẽ được miễn giảm học phí. Vậy mà nó không chịu nộp hồ sơ, cứ tranh thủ tìm việc làm để kiếm tiền nộp đủ học phí (4 triệu đồng/năm)”. 

Và nhắc đến đứa con thứ (Nguyễn Thế Dũng, 17 tuổi) lúc này ông mới mở cửa mời vào nhà. Nhìn Dũng ai mà không xúc động với thân hình dị dạng, lăn lộn triền miên. Bắt đầu kể về đứa con trai yêu dấu này, ông khóc cho vơi đi nỗi đau giằng xé trong vợ chồng ông từ bấy lâu nay. Nín lặng một hồi, ông nói tiếp: “Tội lắm. Mỗi ngày, khi mẹ nó nấu cơm, làm thức ăn dưới bếp, ở nhà trên nó cứ quay cuồng mong được ăn sớm hơn. Hay xem tivi, thấy đầu bếp dạy nấu ăn là nó cũng tỏ ra thèm ăn. Vì gia đình nghèo, mỗi ngày vợ chồng chỉ cho phép chi 30.000 đồng trong ăn uống. Mọi chế độ sinh hoạt khác tạm gác. Do đó, Dũng đâu được đầy đủ như những người khác”. 

  Đã 44 tuổi rồi, anh Lê Hoàng Sơn còn lệ thuộc vào sự chăm sóc của mẹ

Da cam - Hậu quả tàn khốc

Là một trong những địa bàn hứng chịu nhiều hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam, Bình Dương đã và đang từng ngày khắc phục hậu quả tàn khốc đó. Thế nhưng, những di chứng của CĐDC vẫn còn đọng mãi với người dân nơi đây. Con số thống kê cụ thể, cho biết Bình Dương hiện có 5.214 nạn nhân CĐDC/Dioxin, trong đó có 2.841 nạn nhân trực tiếp chiếm 54,49% và 2.359 nạn nhân gián tiếp chiếm 45,51%, trong số đó có 2.205 trẻ em. Số lượng gia đình có 1 con nhiễm CĐDC chiếm tỷ lệ nhiều nhất, tuy nhiên, do tâm lý mong muốn có một đứa con khỏe mạnh để bù đắp mất mát mà gia đình gặp phải nên nhiều gia đình đã cố gắng sinh nhiều con. Do đó, số gia đình có từ 2 con bị nhiễm trở lên cũng đã lên tới gần 200 gia đình, thậm chí có tới 9 gia đình có 4 con cùng bị nhiễm. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của gia đình, xã hội, đồng thời đưa tới những khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc bảo đảm chế độ, chính sách cho các nạn nhân.

Mai Huy - Kim Hà

Kỳ 2. Hãy chia sẻ cùng họ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên