Cuộc chiến chống buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng gian, hàng giả: Vẫn còn lắm gian nan!

Cập nhật: 23-04-2013 | 00:00:00

Muôn nẻo gian lận

Là nạn nhân của nạn cân thiếu trọng lượng, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) 127 tỉnh, kể lại câu chuyện của mình: “Gia đình chúng tôi đi du lịch và ghé vựa để mua cua. Tôi không ngờ nạn cân thiếu lại tinh vi đến thế. 3 con cua biển gia đình tôi mua có trọng lượng 3kg, nhưng khi đem về cân đối chứng thì chỉ còn 1,950kg. Tính ra, mỗi ký cua đã mua gia đình tôi bị họ “móc túi” đến cả trăm ngàn đồng”. Ông Liêm cho biết mặc dù đã nghe nhiều về hành vi gian lận này, nhưng bản thân ông vẫn không thể ngờ mình sẽ trở thành nạn nhân của hành vi gian lận này. Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đỗ Hữu Quang, đây chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp GLTM diễn ra hàng ngày trên thị trường. Hành vi GLTM diễn ra khắp mọi nơi, trên tất cả các mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh. Sở dĩ GLTM vẫn có đất sống là do người tiêu dùng thiếu cảnh giác, thiếu thông tin, thích giá rẻ…  

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra ATVSTP tại chợ Thủ Dầu Một

Theo đánh giá của BCĐ 127 tỉnh, trong năm 2012, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả và GLTM trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ việc được ngành chức năng phát hiện với tính chất quy mô lớn, có dấu hiệu phạm tội phải xử lý hình sự. Phổ biến nhất vẫn là hành vi tàng trữ, kinh doanh hàng nhập lậu như thuốc lá ngoại với số lượng lớn, nhập lậu điện thoại di động và phụ kiện, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, vải nguyên liệu. Một số đối tượng còn làm giả giấy tờ, thủ tục hồ sơ hải quan để nhập khẩu hàng hóa, trốn thuế, lợi dụng thuế suất ưu đãi để nhập dư nguyên liệu sau đó tuồn ra thị trường nội địa để bán. Riêng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện liên quan đến các sản phẩm như phân bón, bột ngọt, khí hóa lỏng… với phương thức chủ yếu là giả nhãn hiệu, cân đong thiếu trọng lượng gây thiệt hại đến quyền lợi người sử dụng, ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp chân chính.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm và bức xúc nhất là nạn sang chiết gas trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng được thực hiện kín đáo hơn. Còn gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh thường sử dụng chiêu cài mật mã nhằm tạo sai số khi bán hàng. Khi có lực lượng kiểm tra, chỉ cần một thao tác nhỏ tác động đến bàn phím thì hành vi gian lận sẽ trở về bình thường. Tỷ lệ sai số khi bơm xăng, dầu mà các cơ sở kinh doanh xăng dầu thường chỉnh sửa có mức sai số thấp nhất 2% và cao nhất là gần 10%. Tương ứng mỗi lít xăng dầu người tiêu dùng bị móc túi ít nhất từ 400 - 2.000 đồng/ lít. Ngoài ra, còn nhiều vụ sai phạm trong lĩnh vực y tế như tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe, phiếu khám bệnh, toa thuốc, gian lận trong lập sổ bảo hiểm y tế khống để nhận thuốc, sau đó bán lại cho cửa hàng, quầy thuốc tư nhân… Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt, thu hái, chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng đang ở mức cao.

Sẽ tăng mức xử phạt

“Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả và GLTM ngày càng đa dạng và tinh vi, nhưng trong quá trình xử lý lại gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, quy định xử phạt trong kinh doanh xăng dầu rất cao nhưng đối tượng kinh doanh xăng dầu bằng trụ bơm lắc tay đa phần là hộ kinh doanh nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn nên rất khó xử phạt”, đại diện Chi cục QLTT tỉnh nêu vấn đề. Đại diện Phòng PC46 - Công an tỉnh Lê Thanh Nghiệp cho biết một số điểm hạn chế trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là luật không quy định rõ quy mô thương mại là bao nhiêu? Cho đến nay, khái niệm quy mô thương mại vẫn chưa rõ ràng khiến ngành công an không có căn cứ cụ thể để áp đặt đối tượng vi phạm. Tình trạng bột ngọt giả tràn lan khắp nơi nhưng luật lại quy định chỉ khi nào vượt giá trị 30 triệu đồng thì mới bị xử lý hình sự. Dù biết đối tượng cố tình lách luật, nhưng mức phạt hành chính lại quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Chính sự mập mờ, mang tính chung chung, thiếu cơ chế bảo đảm thực thi là nguyên nhân khiến ngành chức năng không triển khai xử lý được các vụ vi phạm.

Trước những khó khăn của các ngành trong việc QLTT, BCĐ 127 tỉnh đã có kiến nghị với BCĐ 127/TW sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 7 năm nay. Về phía lãnh đạo ngành, Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương Đỗ Hữu Quang, nhận định Bình Dương không có biên giới nên việc đấu tranh chống vấn nạn buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả và GLTM là không quá khó. Để phòng chống hiệu quả với vấn nạn buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả và GLTM, BCĐ 127 tỉnh cần tổ chức nhiều đợt tấn công trấn áp các đối tượng vi phạm pháp luật là cá nhân và tổ chức; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tố giác những hành vi nói trên. Về mặt pháp lý, BCĐ 127/TW cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm hoàn thiện một số văn bản tăng mức xử phạt đối với các hành vi nói trên nhằm kéo giảm tỷ lệ các vụ vi phạm.

Năm 2012, lực lượng kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 22.790 vụ, phát hiện 10.144 vụ vi phạm (tăng 58 vụ so với năm 2011). Trong đó, 5.959 vụ vi phạm bị xử phạt tiền, truy thu thuế và xử lý hàng hóa tịch thu với tổng số tiền lên đến 400 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so cùng kỳ năm trước.

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên