Cứu doanh nghiệp và người lao động như thế nào?

Cập nhật: 19-04-2012 | 00:00:00

Các thông tin về tình hình kinh tế quý I vừa qua gặp khó khăn khiến nhiều người lo lắng. Chính phủ và các tổ chức nghiên cứu về kinh tế đang có nhiều cuộc thảo luận để tìm giải pháp chấn chỉnh. Ở Bình Dương, cấp ủy và chính quyền cũng đang cùng với nhiều doanh nghiệp (DN) khảo sát; đánh giá tình hình để tìm biện pháp tháo gỡ hỗ trợ cho DN đứng vững...

Đánh giá bước đầu, một số chuyên gia còn cho rằng nếu không có giải pháp khẩn cấp thì kinh tế có nguy cơ đình đốn trong thời gian tới. Hiện nhiều DN (nhất là DN vừa và nhỏ) rơi vào tình cảnh khó khăn và phá sản kéo theo hiện tượng giảm, giãn thợ, mất việc gây tác động đến đời sống người lao động. Đây là hệ quả phần nào đã được dự báo khi khủng hoảng kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam từ năm trước, cộng với các chính sách quyết liệt kiềm chế lạm phát... Nhưng sâu xa vẫn là tính không bền vững của nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào các dòng vốn để tăng trưởng nhưng năng suất lao động không cao và trình độ công nghệ còn yếu kém nên khi gặp “cơn bão nhẹ” đã xảy ra hậu quả. Để hỗ trợ DN trụ vững trong giai đoạn hiện nay cần có các giải pháp đồng bộ từ vĩ mô đến vi mô cộng với sự tự nỗ lực của chính các DN đang gặp khó khăn. Ở cấp vĩ mô, Chính phủ đang tái cấu trúc lại nền kinh tế và ban hành nhiều quyết sách để tạo sự thông thoáng cho sự phát triển, hệ thống tài chính và ngân hàng là huyết mạch cho nhu cầu vốn của DN đang được chấn chỉnh, lành mạnh hóa, loại bỏ yếu kém theo hướng cấu trúc lại. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh trần lãi suất cho vay hạ xuống nhằm kịp thời tiếp cận vốn cho DN, đang xem xét giảm, giãn thuế cho DN gặp khó khăn... Ở DN phải rà soát lại các hoạt động, tiết giảm tối đa chi phí thừa, thực hiện “thắt lưng, buộc bụng” trong thời điểm khó khăn, tận dụng các nguồn vốn có hiệu quả nhất, cải tiến công nghệ và quy trình quản lý để tạo sự cạnh tranh cao trên thương trường, các DN làm hàng xuất khẩu gặp khó khi thị trường ngoài nước gặp khủng hoảng nên tìm thị trường nội địa với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp. DN hoạt động không chỉ cần vốn và công nghệ mà còn rất nhiều chính sách liên quan trong quản lý và phát triển, trong lúc khó khăn này chính quyền và các ngành liên quan phải có những động thái tích cực nhằm hỗ trợ DN, chẳng hạn như trần lãi suất đã giảm rồi nhưng đối với DN nhỏ do uy tín và tài sản thế chấp ít liệu có tiếp cận được vốn hay không? Việc tạo điều kiện thông thoáng của chính quyền và các ngành trong xuất nhập khẩu, quảng bá sản phẩm, tuyển dụng lao động, vận động “Người Việt dùng hàng Việt” các chính sách kích cầu để tiêu thụ sản phẩm... cũng là các vấn đề mà DN đang cần.

Cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng hiện các nhà đầu tư chiếm phần lớn là loại hình DN vừa và nhỏ, đây là cơ sở giải quyết nhiều công ăn việc làm nhất, tỷ trọng lao động chiếm phần lớn trong các loại hình khác, nếu như các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn phải phá sản thì sẽ tác động lớn đến thị trường lao động mà trước mắt là nhiều công nhân phải mất việc ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội. Vì vậy, việc hỗ trợ và cứu các DN loại hình này cũng đồng nghĩa với hỗ trợ người lao động có công ăn việc làm với ổn định xã hội. Để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho DN, điều quan trọng là phải có sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền và các ngành hữu quan một cách thiết thực trong thời điểm khó khăn này mới mong tiến tới tương lai tươi sáng hơn.

XÀ CỪ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên