Da bị bầm

Cập nhật: 10-03-2010 | 00:00:00

Các bậc phụ huynh thường rất lo lắng mỗi khi trẻ có những vết thâm trên người vì sợ không biết đó có phải là những vết bầm da hay không và nguyên nhân là gì. Sau đây là những điều cần biết về bầm da ở trẻ em.

Bầm da là gì?

Bầm da là những sang thương do xuất huyết có màu sắc thay đổi từ đỏ, tím, nâu sậm và nhạt màu dần theo thời gian xuất hiện trên da. Các hồng cầu thoát ra ngoài mạch máu nên khi ấn đè, các vết bầm da không mất đi. Ngược lại, những trường hợp phát ban, muỗi chích hoặc mạch máu bị dãn, khi ấn đè lên thì những vết đỏ sẽ mất đi do không có hiện tượng xuất huyết, hồng cầu vẫn còn nằm trong lòng mạch và lưu thông đi theo dòng máu.

Nguyên nhân của bầm da có thể do thành mạch, với việc ở trẻ em có thể xảy ra sau nhiễm ký sinh trùng như giun lươn, sán chó, sán mèo. Đôi khi có thể xảy ra do nguyên nhân thiếu Vitamine C hoặc sử dụng thuốc có steroids kéo dài. Ngoài ra xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc liệt tiểu cầu cũng là nguyên nhân gây ra các vết bầm da. Bệnh máu khó đông (hemophilia), bệnh gan nặng, thiếu Vitamine K cũng gây bầm da.

Cần chú ý là một trẻ bình thường khi bị va chạm mạnh thì cũng bị bầm da, nhưng nếu bầm da xảy ra sau khi chấn thương va chạm dù ở mức độ nhẹ thì đó có thể là dấu hiệu kín đáo của bệnh máu khó đông.

Xử trí như thế nào?

Điều quan trọng đầu tiên khi các bậc phụ huynh phát hiện bé bị bầm da là đưa bé đi khám để xác định nguyên nhân. Cần nhớ kỹ tình huống xuất hiện các vết bầm là xảy ra sau va chạm hay tự nhiên, thời điểm xuất hiện và các triệu chứng kèm theo như sốt, ho sổ mũi, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu hoặc đi cầu phân đen và gia đình có ai bị tương tự hay không.

Tùy theo những dấu hiệu lâm sàng và bệnh sử, bác sĩ sẽ có thể cho bé xét nghiệm để định bệnh. Nếu là nguyên nhân thành mạch do nhiễm ký sinh trùng, bé sẽ được cho thuốc điều trị giun sán và thuốc làm bền thành mạch cùng với chế độ ăn giàu Vitamine C. Còn các trường hợp bầm da do tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu, tùy theo trường hợp bé sẽ được điều trị đặc hiệu tùy theo nguyên nhân.

THS. BS. NGUYỄN MINH TUẤN

(Phó Trưởng khoa sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên