Da giày Bình Dương trước thách thức hội nhập

Cập nhật: 05-12-2014 | 08:25:05

Việt Nam đang tích cực đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác đang mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức hội nhập cho ngành da giày của Bình Dương.

 Sản xuất giày thể thao tại Công ty giày Đông Hưng Ảnh: K.VINH

 Đơn hàng nhiều

Theo thống kê của Hội Da giày Bình Dương, hiện nay toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu da giày, túi xách. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng theo từng năm và mở rộng về quy mô sản xuất. Chính vì điều này ngành da giày Bình Dương dù gặp phải nhiều khó khăn chung của thị trường trong nước và thế giới nhưng vẫn liên tục tăng trưởng về sản xuất và xuất khẩu.

Nếu trong năm 2013 da giày Việt Nam chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 9,2 tỷ đô-la Mỹ thì năm 2014 dự kiến sẽ vượt ngưỡng 12 tỷ đô-la Mỹ. Là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày nhất của cả nước, Bình Dương luôn có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tuy chưa có con số chính thức nhưng Hội Da giày Bình Dương ước lượng năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành này ở tỉnh sẽ tăng vọt, do đơn hàng liên tục tăng và nhiều nhà đầu tư mới tham gia.

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TX.Dĩ An) cho biết: “Từ cuối năm 2013, chúng tôi đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2014. Năm nay đơn hàng đạt ổn định đến gần hết quý III năm 2015. Thị trường đang có những bước chuyển biến rất tích cực, đơn hàng xuất khẩu liên tục dịch chuyển từ Trung Quốc, Đài Loan sang Việt Nam nên da giày Bình Dương gặp nhiều thuận lợi”.

Theo thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2014 các nhà sản xuất da giày Việt Nam đã xuất khẩu đến 11,2 tỷ đô-la Mỹ hàng hóa. Chính những thuận lợi trên là yếu tố quan trọng giúp ngành da giày Bình Dương ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu quan trọng. Các công ty giày An Thịnh, Chí Hùng, Liên Phát… đều có hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 6-2015. Đặc biệt, các công ty như giày Thái Bình, Nam Bình, Đông Hưng… đã có đơn hàng đến hết năm 2015. Năm 2014, riêng sản lượng sản phẩm giày thể thao của các doanh nghiệp Bình Dương ước đạt 24,3 triệu đôi, tăng 45% so với năm 2013.

Chủ động trước thách thức

Dù gặp nhiều thuận lợi trong việc sản xuất, xuất khẩu và duy trì việc làm cho người lao động nhưng chính từ cơ hội lại nảy sinh thách thức lớn đến ngành da giày của Bình Dương. Đơn hàng, xuất khẩu nhiều nhưng vấn đề sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào hầu như các doanh nghiệp còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài. Cho đến nay tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành da giày trong tỉnh mới chỉ đạt 40 - 45%, chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày; trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu 95%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện đang phải gánh thêm nhiều chi phí do giá vật tư đầu vào tăng khiến giá thành của sản phẩm da giày Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước lân cận. Do đó, tuy doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều nhưng lợi nhuận thu về lại chưa tương xứng. Vì vậy việc hỗ trợ cho các dự án triển khai tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là rất cần thiết hiện nay.

Đứng trước những thách thức lớn này, Hội Da giày Bình Dương, được sự hỗ trợ từ Sở Công Thương đã có những bước đi mang tính bước ngoặt, nền tảng để khắc phục khó khăn, chủ động nắm bắt cơ hội lớn từ chuyển động thuận lợi của thị trường xuất khẩu. Theo đó, năm 2014 Hội Da giày Bình Dương đã đạt sự đồng thuận cao, tiếng nói chung trong việc tiến tới liên kết thành lập một nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp và phục vụ cho các doanh nghiệp thành viên. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động cuối năm 2015. Ngoài ra, để các doanh nghiệp thành viên chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, Hội Da giày Bình Dương liên tục tổ chức các cuộc gặp mặt xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội với các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hội Da giày Bình Dương cho biết, dù chưa đứng đầu cả nước nhưng hoạt động của ngành da giày Bình Dương được nhìn nhận là khá sôi động và đa dạng. Năm nay, tuy thị trường, lao động… còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong hội vẫn gia tăng sản xuất, xuất khẩu hơn 10% so với năm 2013 là một nỗ lực rất lớn. Mong rằng, trong thời gian tới sự ảnh hưởng tích cực của các hiệp định thương mại tự do và thị trường hồi phục sẽ giúp ngành da giày của Bình Dương có những bước tiến mới.

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên