Đặc xá dịp Quốc khánh 2-9: Chính sách mang tính nghiêm minh và nhân đạo

Cập nhật: 31-08-2010 | 00:00:00

Những ngày gần đây, các trại giam ở các tỉnh, thành trên cả nước đều triển khai công tác đặc xá cho phạm nhân. Theo quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, đợt này cả nước có 17.210 phạm nhân đang chấp hành phạt tù và 310 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được đặc xá. Như vậy, cũng sẽ có hơn 17.200 gia đình, phạm nhân được sum họp đón mừng Quốc khánh 2-9 năm nay - một sự kiện hết sức ý nghĩa.

Với chủ trương khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người phạm tội đã thực sự hối lỗi, cải tạo tiến bộ, quyết định đặc xá năm 2010 tiếp tục khẳng định tính nghiêm minh và nhân đạo trong chính sách hình sự của luật pháp nước ta. Tính từ năm 2000 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 10.000 người bị kết án phạt tù. Đó là những người được xem xét rất kỹ, đúng đối tượng, đủ điều kiện, bảo đảm khách quan, công bằng, dân chủ, đúng pháp luật, đủ cơ sở để khẳng định những người đó đã nỗ lực học tập, lao động, cải tạo tiến bộ để hoàn lương.

Có đến trại giam để thấy được những phút giây được trở về với gia đình, với cuộc sống đời thường của những người được đặc xá, mới thấy hết nỗi xúc động không kìm nén được của họ. Nụ cười trên gương mặt có những dòng nước mắt. Thời gian và quá trình học tập, lao động, cải tạo ở các trại giam đã cho họ có đủ điều kiện suy gẫm về hành động phạm pháp của mình để đi đến con đường tù tội. Có người phạm pháp vì có chủ mưu, ý định rõ ràng, còn có người vì một phút nông nỗi, vô tình cũng phạm pháp và phải ngồi tù. Mỗi bản án là một hình phạt răn đe, trừng trị của pháp luật. Xã hội càng phức tạp thì tội phạm cũng càng phức tạp hơn. Xã hội muốn tốt đẹp, trong lành, tiến bộ, kỷ cương thì phải có pháp luật nghiêm minh. Có những loại tội phạm phải loại trừ ra khỏi cộng đồng xã hội, nhưng cũng có những loại tội phạm cần được xem xét kỹ để được hưởng chính sách khoan hồng. Do đó, ngành chức năng nhiều năm qua được thực hiện công tác này một cách thận trọng, kỹ lưỡng và đặc xá là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đa số những người được đặc xá về với gia đình sớm hơn thời hạn phạt tù đều sống và hành nghề lương thiện. Nhưng riêng đối với một số người tha về do hết thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc được đặc xá vẫn còn một số điều đáng quan tâm. Đó là một số người vẫn còn tiếp tục lén lút hành nghề phạm pháp cũ, có người vừa ra khỏi trại giam chừng 2 - 3km đã tiếp tục phạm tội và bị công an bắt lại. Với họ việc để trở về con đường chánh thiện quả không dễ dàng chút nào. Do đó, đặc xá và ngày trở về chỉ là ngày mới bắt đầu cho cuộc sống mới hoàn lương, thế nên trước hết những người được hưởng đặc xá phải biết tự vượt lên chính mình, nhận thức sâu sắc được lỗi lầm của mình và phải quyết tâm xây dựng lại cuộc đời mình. Bên cạnh đó, gia đình là chỗ dựa cho từng cá nhân cần có sự giám sát, quản lý, giáo dục người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, không tái phạm và vi phạm pháp luật. Và còn nữa, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần có sự quan tâm đối với những người từng một thời lầm lỡ, mong muốn hoàn lương trở về với cộng đồng, giúp họ có cuộc sống ổn định trở thành những công dân có ích cho xã hội.

B.T.LAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên