Đại chiến kiện tụng trong làng công nghệ

Cập nhật: 23-11-2010 | 00:00:00

Đi thưa kiện rồi lại bị kiện, những trận chiến pháp lý liên quan đến nhiều hãng lớn như Google, Microsoft, Apple, Yahoo... ngày càng rùm beng, làm tốn kha khá giấy mực của tòa án và báo giới.

 

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề bản quyền sáng chế lại “nóng” đến thế. Các hãng kiện nhau vì quyền sở hữu trí tuệ, vì quyền lợi kinh tế, và có lẽ, còn vì nhiều điều hơn thế.

 

“Như thể không có ngày mai”

(Những vụ “đại chiến” trong làng điện thoại di động)

 

Đúng như Tạp chí Fortune CNN từng bình luận trong một bài viết ra hồi cuối tháng 10/2010 rằng “họ đang lao vào nhau để kiện như thể không có ngày mai”, các hãng sản xuất thiết bị viễn thông đang làm rối tinh giới công nghệ và các tòa án bởi các vụ kiện vắt chéo nhau mà nhiều trong số đó còn chưa ngã ngũ.

 

 Các hãng viễn thông: Ai đang kiện ai? (tính đến tháng 10-2010).

Năm 2010 mở đầu với tranh chấp bản quyền giữa Motorola và RIM trong tháng 1. Motorola nộp đơn lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) khẳng định RIM ăn cắp các sáng chế của hãng. Thêm vào đó, Motorola đòi cấm nhập BlackBerry vào Mỹ. Các công nghệ mà nhà sản xuất Mỹ kiện là cách truy cập Wi-Fi, quản lý ứng dụng, giao diện người dùng và nguồn điện. Trong khi đó, RIM từ chối bình luận về lý do Motorola đưa vụ kiện lên ITC. Trong thực tế, kiện tụng giữa 2 hãng bắt đầu từ cuối 2008.

 

Cũng trong tháng này, Kodak gửi đơn lên ITC, kiện RIM và Apple về các sáng chế liên quan tới công nghệ hình ảnh của hãng. Kodak cho biết, Apple iPhone và các mẫu smartphone của BlackBerry đã vi phạm tính năng xem ảnh trước trên camera, bởi hãng đã đăng ký bản quyền.

 

Trong khi đó, Apple lại kiện Motorola sử dụng trái phép công nghệ cảm ứng đa điểm trong các dòng smartphone như Droid, Cliq và Charm. Trước đó, Motorola tố cáo Apple xâm phạm 18 bằng sáng chế của hãng về dịch vụ e-mail không dây, quản lý ứng dụng, khả năng đồng bộ thiết bị.

 

Nhắc lại sự vụ Apple kiện HTC. Apple đã cáo buộc nhà sản xuất Đài Loan vi phạm tới 20 sáng chế về giao diện và thiết kế phần cứng iPhone. Đơn kiện được Apple trình lên ITC và tòa án quận Delaware. Mặc dù vấn đề có vẻ như rất muôn thuở, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng, khi đánh vào HTC, Apple được lợi cả đôi đường, bởi đây là nhà sản xuất smartphone chạy cả Android lẫn Windows Mobile. Trong đó, đối thủ chính là Android của Google, nền tảng đang lớn lên từng ngày trong năm nay.

 

Vẫn còn đến ít nhất là 7 trường hợp khác vẫn còn đang tranh chấp nhau về bản quyền sáng chế như thế. Có quá nhiều mục đích khác nhau đằng sau các cuộc chiến đó. Tuy nhiên, chắc chắn đây là sẽ những mối phiền toái cho các công ty khác nhau và gây ảnh hưởng tới hướng phát triển của họ trong nhiều năm tới, giống như vụ kiện của một công ty nhỏ ở Canada từng suýt làm cho Microsoft Office ngừng bán trên toàn thế giới?

 

Đuổi theo quá khứ

(Vụ kiện giữa Lucent và Microsoft)

 

Một thực tế đang diễn ra là các trận chiến pháp lý này có thể kéo dài vô tận với các hãng công nghệ với việc mải mê chạy theo ngày càng nhiều vụ kiện mà đôi khi chẳng ai quan tâm đến lịch sử "chiến tranh" của các bên từng diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau.

 

Nhớ lại vụ hãng viễn thông Lucent kiện Microsoft vi phạm bản quyền bằng sáng chế 1986 về bàn phím ảo mà Lucent thừa hưởng từ Bell Labs: Vụ kiện kéo dài đến hơn 5 năm, và đến tháng 6/2008, Toà án Liên bang Mỹ phán quyết Microsoft vi phạm 2 bằng sáng chế của Alcatel-Lucent, phải bồi thường một khoản tiền là 511,6 triệu USD.

 

Trước đó, vào năm 2007, Microsoft cũng từng bị kiện vi phạm sáng chế liên quan đến nhạc số của Alcatel, đảo ngược lại phán quyết của bồi thẩm đoàn. Tháng 4/2008, hãng sản xuất máy tính Dell cũng bị phát hiện là đã có những vi phạm tương tự liên quan đến “sáng chế bút trâm” của Alcatel-Lucent và phải trả 70.000 USD, bao gồm cả chi phí toà án.

 

Những vụ kiện cáo có liên quan đến Alcatel-Lucent về việc vi phạm 3 bản quyền sáng chế nhằm vào Microsoft và 2 vụ của Dell là sự nối tiếp của những vụ kiện vào năm 2003 của Lucent Technology (khi Alcatel chưa mua lại Lucent). Lúc đó, Bell Labs, bộ phận nghiên cứu công nghệ của Lucent đã kiện 2 hãng sản xuất PC Gateway và Dell vi phạm các bản quyền phát triển công nghệ. Cho dù đến nay, trong số những vụ kiện ban đầu có những vụ đã được phân xử hoặc được huỷ bỏ, nhưng dường như Alcatel-Lucent vẫn kiên quyết theo đuổi những vụ kiện “bắt nguồn từ quá khứ” này.

 

Những vụ lôi nhau ra tòa kiểu này có thể khiến các hãng sản xuất lo lắng và hoài nghi. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, theo luật, các bằng sáng chế này chỉ có giá trị trong thời hạn như đã ghi trong đăng ký về bản quyền sáng chế chứ không phải được sở hữu vĩnh cửu bởi ai đó.

 

Vi phạm hay là không?

(Vụ kiện giữa Twitter và TechRadium)

 

Nếu trận chiến Microsoft-Lucent cho thấy tuổi thọ của các cuộc chiến tranh về bằng sáng chế, thì vụ kiện về Web 2.0 của Twitter hồi mùa thu năm ngoái lại cho thấy họ sẽ không nhanh chóng bỏ cuộc. Vụ kiện đem đến một câu hỏi khá thú vị: Liệu một công ty có bị xem là vi phạm bản quyền nếu dịch vụ của họ phát triển theo cách vi phạm mà họ không hề có ý định tiến hành trước đó?

 

TechRadium là một công ty chuyên cung cấp các thông báo cho nhiều người dùng một cách nhanh chóng, thông qua một dịch vụ gọi là IRIS. Khách hàng có thể lựa chọn cách thức các thông báo này được gửi đi, và gửi đi theo thứ tự nào. Chẳng hạn, đầu tiên họ có thể được nhận một tin nhắn văn bản, sau đó một cuộc gọi thoại tự động tại một số khác nếu không có phản hồi trước đó. Luật sư của TechRadium nói rằng, công ty này "chẳng thèm để ý” đến mạng xã hội. Nhưng họ lại quan tâm đến việc các cơ quan chính phủ đang bắt đầu sử dụng Twitter như là phương tiện để phổ biến thông tin, bao gồm cả dữ liệu khẩn cấp, cho nhiều thiết bị (bạn có thể đọc Twitter trên máy tính, trên điện thoại của bạn, truyền hình Internet...) - mặc dù Twitter không bao giờ chủ động thúc đẩy việc sử dụng cho những mục đích này.

 

Tí hon đấu với khổng lồ

(Vụ kiện giữa VirnetX và Microsoft, TecSec và phần còn lại của thế giới)

 

Apple là tâm điểm của vô số các vụ kiện

 

Một trường hợp điển hình của những vụ kiện theo kiểu “châu chấu đá xe” là vụ VirnetX kiện Microsoft về bằng sáng chế công nghệ VPN.

 

Theo VirnetX, công nghệ này có mặt trong mọi sản phẩm Microsoft Office và Windows được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua. VirnetX không bán sản phẩm, và các bằng sáng chế đã được cấp cho Tập đoàn Quốc tế Ứng dụng khoa học, và phát triển cho Hải quân Mỹ. Kết quả là phán quyết cuối cùng đã mang thắng lợi về cho VirnetX.

 

Một xu hướng có thể thấy rõ là một số công ty rất ít tên tuổi, thậm chí bạn chưa từng nghe nói đến, lại đang theo hàng loạt các vụ kiện với những “người khổng lồ”. Chẳng hạn, IBM, Sun, Oracle, eBay, Cisco, và Adobe đều bị kiện bởi TecSec. Và sau đó, công ty này đã trở nên nổi tiếng hơn và các sản phẩm của họ cũng bán chạy hơn nhiều lần, sau những tin tức rùm beng của giới báo chí trong làng công nghệ cao. 

 

Mới đây nhất, là vụ Apple bị kiện vì iPad, sản phẩm hiện đang mang lại doanh số bán hàng kỷ lục cho Apple. Proview, công ty chuyên sản xuất màn hình phẳng, khẳng định trên báo Financial Times rằng thương hiệu IPAD của họ được đăng ký ở châu Âu, Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2004.

 

Năm 2006, Proview đồng ý bán tên gọi này cho một công ty Mỹ là IP Application Development (IPAD) với giá 55.104 USD. Họ cho rằng tại thời điểm đó, cái tên này không có mối liên hệ gì với sản phẩm của Apple cũng như không liên quan đến thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chính đại diện của Proview này đã thừa nhận: “Chúng tôi đang gặp rắc rối về tài chính và thương hiệu là tài sản quan trọng để giúp công ty vượt qua khó khăn". Mục đích của Proview đã rõ. Vụ kiện này có thể cũng là một cái cớ để quảng cáo cho bản hãng, đồng thời sinh lời.

 

Thất bại không phải là hết

(Vụ TiVo kiện Dish và EchoStar; Xerox kiện Google và Yahoo)

 

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 là thời kỳ cao trào trong vụ kiện Apple-Microsoft về quyền sở hữu giao diện người dùng đồ họa (GUI) mà chúng ta đang dùng trên máy tính. Vụ kiện có sự liên đới với Xerox để rồi sau đó chính công ty này đã đánh vào cả 2 “đại gia” kia với vụ việc về máy tính Alto của họ. Để rồi cuối cùng tòa án chẳng thể đưa ra một phán quyết nào và rốt cục, các yếu tố của giao diện đồ họa, như chúng ta đã biết, về cơ bản trở thành tài sản công cộng. Riêng Xerox cũng bác bỏ yêu sách của mình vì thời hiệu trên chúng đã hết hạn.

 

Nhưng hết vụ này đến vụ khác, để tìm kiếm một khoản bồi thường vi phạm trong quá khứ để bù đắp cho những thất bại vừa qua, tháng 3/2010, hãng Xerox lại tiếp tục đưa đơn kiện Google và Yahoo lên tòa án quận Delaware (Mỹ). Xerox cáo buộc 2 công ty này đã vi phạm bằng sáng chế quản lý tài liệu của hãng trong việc tìm kiếm trên mạng Internet. Xerox nói rằng, các dịch vụ dựa trên web của Google như Google Maps, YouTube và phần mềm quảng cáo AdSense cũng như các công cụ Web gồm Yahoo Shopping, đã vi phạm bằng sáng chế của hãng được cấp từ năm 2001. Theo Xerox, các bằng sáng chế của hãng gồm hệ thống để tạo ra những truy vấn thông tin liên quan tới tài liệu và các phương thức tích hợp thông tin từ các tài liệu và dữ liệu khác. Tuy nhiên, vụ kiện này cũng chưa đi đến kết quả thắng bại sau cùng và có lẽ sẽ còn tốn khá nhiều giấy mực.

 

Như vậy, một bài học được viết ra là: Dù có mất bằng sáng chế của bạn hay không, mọi chuyện vẫn chưa hề kết thúc.

 

Không còn lựa chọn nào khác

(Vụ kiện giữa HP và MicroJet)

 

Còn nhớ Hewlett – Packard từng tuyên bố họ sẽ chứng minh MicroJet và một số công ty châu Á khác đã ăn cắp các sản phẩm in ấn của hãng, ít nhất là trong một vụ cướp chiếc xe tải đang chở hàng tới nhà máy lắp ráp của HP tại Malaysia và sau đó đem tích hợp chúng vào đầu máy in phun của họ (MicroJet).

 

Trên thực tế hồi tháng 3, HP đã khởi kiện các công ty như Mipo Technology, Mipo America, Mipo Science & Technology, Mextec Group, Sinotime Technologies và PTC Holdings vì vì đã nhập và bán các mặt hàng mực in phun vi phạm bản quyền của HP ở Mỹ. Theo khiếu nại của HP trình đăng trên trang web của ITC, các công ty này đã vi phạm bản quyền về mặt thiết kế hộp mực, dung lượng mực, và phương pháp phun.

 

Có người đặt ra câu hỏi tại sao những hành động phạm pháp theo kiểu hình sự chỉ được xem xét nhẹ nhàng dưới góc độ như là vi phạm bản quyền sáng chế mà thôi. Tuy nhiên, bạn có thể liên tưởng đến vụ việc Al Capone bị kết án trốn thuế. Chính phủ không thể chứng minh nguồn gốc bất chính của sự giàu sang mà Capone có, nhưng có thể chứng minh rằng ông ta không bao giờ nộp thuế thu nhập cho IRS (cơ quan chịu trách nhiệm về thuế của Mỹ). Tương tự như vậy, về mặt pháp lý HP không bao giờ có thể kết nối các dấu chấm giữa MicroJet và các vụ trộm cắp các thiết bị của họ - nhưng vì công nghệ thiết bị này đã được cấp bằng sáng chế, nên MicroJet sẽ không thể bán sản phẩm một cách hợp pháp cho dù họ có tự xây dựng được hệ thống sản xuất cho riêng mình hay không.

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên