Đại hội Đảng bộ xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên đề ra nghị quyết: Nâng cao chất lượng nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ

Cập nhật: 13-04-2010 | 00:00:00

Đảng bộ xã Bạch Đằng vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015), thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Đại hội cũng đã kiểm điểm, đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, điều hành và đề ra nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đến năm 2015.

Bạch Đằng là một trong những xã nằm cạnh lưu vực sông Đồng Nai (xã cù lao) của huyện Tân Uyên. Kinh tế của Bạch Đằng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ có chủ trương của tỉnh Bình Dương là xây dựng Cù lao Bạch Đằng thành một “lá phổi xanh” trong lòng đô thị Tân Uyên, nên trong những năm gần đây cơ cấu kinh tế của xã đã dịch chuyển khá nhanh, trong đó thương mại - dịch vụ liên tục phát triển và hiện đã chiếm tỷ trọng 49,97% trong cơ cấu kinh tế của xã. Trong khi đó, nông nghiệp chỉ chiếm 47,95% và tiểu thủ công nghiệp chiếm 2,08%.

Sản phẩm của nông dân Bạch Đằng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng

Mặc dù có tỷ trọng thấp hơn so với thương mại - dịch vụ, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Bạch Đằng. Diện tích cây hàng năm như cây lúa, rau màu được giữ ổn định; diện tích cây lâu năm, chủ yếu là cây bưởi, tăng nhanh. Bưởi Bạch Đằng từ lâu đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của mảnh đất cù lao này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của xã, năm 2009 trung bình đạt 56,73 triệu đồng/ha, tăng 19,38 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ 2005. Thực hiện dự án vườn bưởi đặc sản và khu du lịch sinh thái, diện tích cây bưởi của xã đã phát triển trên 420 ha, trong đó trên 290 ha đã cho sản phẩm.

Theo báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của xã tiếp tục có những bước tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các tiềm năng và lợi thế của địa phương được khơi dậy; diện mạo của nông thôn ngày càng được đổi mới, phát triển đi lên. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của Bạch Đằng chưa được phát triển đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển, nâng cao chất lượng nông sản, đặc sản chưa được quan tâm triệt để. Công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền chưa thực sự năng động, chủ động. Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế của xã phát triển theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ (chủ yếu là phát triển du lịch sinh thái), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của xã.

Theo đó, chủ trương của Đảng bộ xã là tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ du lịch sinh thái, đặc biệt là du lịch nhà vườn và các dịch vụ du lịch khác nhằm khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, di tích lịch sử, văn hóa... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển du lịch sinh thái nếu chỉ dựa vào mỗi thương hiệu bưởi Bạch Đằng là chưa đủ, mà phải đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu của du khách. Mặt khác, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã, cần lưu ý việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế (từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ), lúc đó một lực lượng lớn lao động sẽ chuyển sang làm thương mại - dịch vụ. Do đó, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với Bạch Đằng là rất cần thiết, nhất là việc hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ và trợ vốn cho nông dân. Song song đó, bộ máy chính quyền, quản lý của xã cũng cần phải được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung để có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí công tác.

ĐỖ TRƯỜNG

Một số chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bạch Đằng nhiệm kỳ 2010-2015:

Tổng giá trị sản phẩm tăng bình quân từ 13 - 15%/năm; giá trị thương mại - dịch vụ tăng từ 20 - 24%/năm và đạt tỷ trọng 50 - 55% trong cơ cấu kinh tế; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 5 - 6%/năm và đạt tỷ trọng 30 - 40%; tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 25 - 30 triệu đồng/năm; 85 - 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% ấp đạt chuẩn ấp văn hóa. Trong nhiệm kỳ, phấn đấu có 100% cán bộ chủ chốt tốt nghiệp văn hóa cấp III, trung cấp lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ A tin học, ngoại ngữ. Hàng năm có trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 80% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh; Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh.

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên