Đại lễ Phật đản: Tổ chức trọng thể và trang nghiêm

Cập nhật: 21-05-2016 | 08:24:45

Từ đầu tháng 4 âm lịch, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) các huyện, thị, thành phố và cơ sở tự viện trong tỉnh đã tổ chức lễ Phật đản. Sau đó sẽ là Đại lễ Phật đản cấp tỉnh với nhiều nghi thức Phật giáo trang nghiêm. Trao đổi với phóng viên báo Bình Dương,Thượng tọa Thích Huệ Thông (TT.THT), Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh cho biết về việc tổ chức đại lễ Phật đản (rằm tháng 4 âm lịch) năm nay, Phật lịch 2.560, dương lịch 2016.

 Lãnh đạo tỉnh thăm các chức sắc Phật giáo và chúc mừng Phật đản 2016 tại chùa Hội An (Thành phố mới Bình Dương)

 Xin TT.THT cho biết về ý nghĩa của lễ Phật đản trong Phật giáo?

- Trước hết, đây là một lễ lớn hàng năm của Phật giáo. Phật Đản còn gọi là Quán Phật hội (hội tắm Phật), Giáng Đản hội (hội giáng sinh) - đó là nghi thức tắm Phật. Ngày Phật đản tức là ngày Đức Phật Thích Ca ra đời. Đại lễ Phật đản từ lâu như là một dịp lễ chung của nhiều người, không riêng những người có tín ngưỡng Phật giáo. Bởi đây là dịp các cơ sở tự viện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính lễ và hội cộng thêm công tác từ thiện cho người còn khó khăn. Dịp này còn là một đại lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng, ni, phật tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày đản sinh của Đức Phật đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chính thức công nhận là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cũng đã hướng dẫn các tỉnh, thành việc tổ chức đại lễ Phật Đản sanh - Phật lịch 2.560 chu đáo, trang nghiêm và long trọng.

- Năm nay, đại lễ Phật đản sẽ được tổ chức như thế nào, thưa TT.THT?

- Năm nay, lễ Phật đản trùng với ngày bầu cử các cấp. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng mà tất cả người dân Việt Nam đang hướng tới. Bà con phật tử cũng thế, ai cũng háo hức được thực hiện quyền công dân, quyền cử tri của mình để chọn người đủ tài, đức, góp phần xây dựng đất nước phát triển, phồn thịnh. Thế nên năm nay, đại lễ Phật đản sẽ được tổ chức với quy mô đơn giản hơn nhưng vẫn trang trọng, tôn nghiêm với các nghi thức Phật giáo, cầu nguyện cho hòa bình, quốc thái dân an. Đại lễ mang ý nghĩa tôn vinh ngày ra đời của Đức Thích Ca Mâu Ni, người đem ánh sáng trí tuệ, sự an lạc hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại.

Năm nay, đại lễ Phật đản được tổ chức vào ngày 20 và 21-5 (nhằm ngày 14 và rằm tháng 4 năm Bính Thân). Các hoạt động chính có thể kể đến như: Viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thắp hương dâng hoa tưởng niệm. Đặc biệt là chương trình diễu hành với hàng chục xe hoa đến từ các huyện, thị, thành phố của tỉnh xuất phát từ chùa Hội An (trung tâm Thành phố mới Bình Dương) đi đường Lê Hoàn đến Hùng Vương - Phạm Ngọc Thạch - Huỳnh Văn Cù - đến ngã tư chợ Cây Dừa rẽ vào đường Cách Mạng Tháng Tám. Đoàn diễu hành đến vòng xoay ngã sáu vào đường Bác sĩ Yersin về chùa Hội Khánh, Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh. Tiếp đó là chương trình văn nghệ mừng ánh đạo vàng, hoan hỉ đón mừng Phật đản. Văn nghệ chào mừng Phật đản sinh gồm các tiết mục: Ca, múa, trích đoạn về lịch sử Đức Phật. Tất cả nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, con người vàtinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật.

Ngoài ra, cũng như mọi năm, lễ Phật đản chính thức được tổ chức vào sáng sớm ngày rằm tháng tư với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương. Đại lễ sẽ có các nghi thức như tắm Phật, tuyên đọc thông điệp Phật đản PL.2560 của Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam, thả chim câu, bong bong cầu mong hòa bình, quốc thái dân an, khai chuông, trống bát nhã được tổ chức thực hiện trong không khí trang nghiêm, tôn kính… Sau đại lễ Phật đản, tăng, ni sẽ bước vào mùa An cư Kiết hạ trong 3 tháng hè. Đây là hoạt động truyền thống của Phật giáo được tổ chức hàng năm và là một mùa tu tập mới, một tuổi đạo mới của chư tôn đức, tăng, ni…

- Đây cũng là dịp Phật giáo đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội, thưa TT.THT?

- Phật giáo gắn với tinh thần ban vui cứu khổ nên công tác từ thiện được tổ chức hàng năm. Tính từ đầu tháng tư âm lịch, các chùa đã tổ chức lễ Phật đản theo lịch đăng ký từ trước, thuận tiện cho bà con phật tử tham dự. Các cơ sở tự viện của Phật giáo cũng được trang trícờ, băng rôn biểu ngữ, trang trí vườn Lâm Tỳ Ni tại chùa và gia đình phật tử mộ đạo… Phật giáo có 2 ngày lễ lớn trong năm là lễ Phật đản, rằm tháng tư và Vu lan, rằm tháng 7. Đây cũng là dịp các chùa đẩy mạnh công tác từ thiện với hàng trăm phần quà tại mỗi điểm tổ chức. Hàng năm, trong buổi lễ chính tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh, Tỉnh hội cũng tặng quà cho người nghèo như một sự chia sẻ đến bà con. Tất cả những hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ người nghèo, lang thang cơ nhỡ theo tinh thần từ bi, bác ái của Đức Phật.

- Xin cảm ơn TT!

QUỲNH NHƯ (thực hiện)

  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên