Đám giỗ... thời nay!

Cập nhật: 01-10-2011 | 00:00:00

Đám giỗ đã là tập tục gắn liền với nếp sinh hoạt truyền thống của cộng đồng có từ rất lâu. Thế nhưng, ý nghĩa của nó vẫn là tưởng niệm người thân đã mất, trong khi giờ đây tính chất và nội dung thì thay đổi rất nhiều, trở thành nếp văn hóa trong đời sống người dân đô thị.

Đám giỗ thời thơ ấu

Lúc còn nhỏ, cuộc sống thật thiếu thốn, chúng tôi hầu như không được thỏa mãn về nhu cầu ăn uống. Mỗi khi có đám giỗ, con được theo mẹ đi ăn giỗ còn vui hơn đi hội. Nhà nào có đám giỗ thì phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Nuôi gà thả vịt, mua mớ nếp ngon dành gói bánh ít, bánh ú để trả lễ cho bà con họ hàng đến kiến người được cúng giỗ. Vào dịp này, anh chị em ở xa đều tụ họp về đông đủ để phụ giúp gói bánh, chế biến các món ăn thật rộn ràng và sum họp. Có lẽ do thường ngày không được dùng nhiều món ngon như vậy, nên đám giỗ cũng là dịp đặc biệt để mọi người được ăn ngon. Nhà có giỗ thì vậy, còn người đi đám giỗ thì cũng phải mua ít trái cây, quà bánh để cúng cho đúng lễ nghĩa. Sau khi dùng tiệc xong, gia chủ sẽ trả lễ lại bằng một ít bánh trái tùy tấm lòng thể hiện tình cảm quý mến nhau, cũng là làm quà cho con cái ở nhà.

 Thói quen gói bánh cho ngày giỗ đã dần mất đi

Có thể nói, nét văn hóa đám giỗ hết sức mộc mạc, chân phương, đậm chất xóm làng ngày ấy giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới. Từ việc tiện lợi hóa trong tổ chức tiệc thông qua các dịch vụ nấu nướng chuẩn bị giỗ, cho đến việc mọi người “đi tiền” thay cho bánh trái lễ nghĩa, dần dần cũng gần tương đồng với một cái đám cưới, đám sinh nhật, thôi nôi hay đầy tháng. Đây có thể nói là sự biến đổi khá lớn trong tập tục sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nguyên nhân xuất phát từ việc đời sống vật chất ngày càng nâng cao.

Đám giỗ thời nay!

Chị Nguyễn Thị Buồm, người dân ấp An Lợi, xã Hòa Lợi (Bến Cát) kể, mỗi lần đi đám giỗ hay đám cưới đều mất từ 200.000 - 500.000 đồng. Chị giải thích: “Bây giờ, đám giỗ người ta cũng đi tiền nhằm giúp gia chủ đãi tiệc đám giỗ. Hễ người khác phụ mình bao nhiêu thì mai mốt mình cũng phụ lại ngần ấy”. Hóa ra tiền mừng đám cưới một đời người có khi còn thua đám giỗ. Rồi thì không biết từ khi nào, đám giỗ hay đám cưới, hình thức cũng tương tự như nhau. Cũng đi tiền, rồi ngồi vào bàn tiệc dùng mấy món quen thuộc như mấy món tráng miệng, bò né, gà hấp hành, lẩu nấm... hôm nay, dự tiệc cưới cũng vậy mà ngày mai ăn đám giỗ cũng chỉ vậy.

Do không ai đi bánh trái nên lúc đầu, những chủ giỗ còn bỏ tiền mua ít trái cây rộ mùa về làm quà trả lễ. Nhưng sau rồi, chị em hàng xóm lại gặp nhau, lại cho nhau biết là trái cây, nước ngọt đem về cũng bỏ không ai ăn, “thôi thì thống nhất với nhau bữa sau đám giỗ nhà ai cũng vậy khỏi phải trả lễ nữa”.

Ngẫm nghĩ về văn hóa, tập tục dân gian quả thú vị thật. Sự hình thành hay đổi thay của văn hóa, tập tục suy cho cùng là bắt nguồn từ những đổi thay trong đời sống của cộng đồng mà hình thành nên. Có những sinh hoạt mang tính văn hóa truyền thống mà chúng ta cũng không hiểu tại sao lại có như thế, thì cũng vậy, biết đâu khoảng dăm ba chục năm sau nữa, con cháu chúng ta cũng không thể hiểu tại sao đi giỗ phải “mừng tiền” như đám cưới.

Thôi thì mọi người bảo nhau, tiệc tùng mà có ăn uống gì nổi, chủ yếu là dịp bà con họ hàng gặp gỡ nhau trong thời buổi mà ai nấy đều tất bật với công việc, không còn nhiều thời gian để qua lại thăm nhau như hiện nay!

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên