“Dân vận khéo” lan tỏa sâu rộng

Cập nhật: 08-10-2019 | 07:58:27

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã lan tỏa sâu rộng, tạo ra nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc khơi dậy và phát huy sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” điển hình trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động hiệu quả, có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Nông sản tại trang trại của ông Lâm Thành Thương, xã Hiếu Liêm được đóng thùng xuất bán ra thị trường. Ảnh: KIM VÂN

Đẩy mạnh tuyên truyền

Sau hơn 5 năm thành lập, huyện Bắc Tân Uyên đã đạt được kết quả nổi bật trên nhiều mặt. Thành quả chung đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự chung tay, góp sức của nhân dân, thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, sức dân được phát huy. Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” thật sự lan tỏa sâu rộng, công tác tuyên truyền, vận động được Huyện ủy Bắc Tân Uyên đẩy mạnh thực hiện.

Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thường xuyên tuyên truyền, phát động trên hệ thống loa phát thanh, tuyên dương những mô hình, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời hướng dẫn cách lựa chọn mô hình “Dân vận khéo” thực hiện đăng ký thi đua trong nội bộ cơ quan, đơn vị và đăng ký thi đua trong toàn huyện.

Các chi, Đảng bộ khối cơ quan, trường học tuyên truyền, quán triệt trong đảng viên tại các đợt sinh hoạt chi bộ định kỳ thực hiện “Dân vận khéo” trong việc vận động cán bộ, đảng viên phát huy sức mạnh đoàn kết nội bộ, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện công tác dân vận; đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm cao, làm việc với mục đích phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngoài ra, các chi, Đảng bộ còn tuyên truyền thực hiện “Dân vận khéo” trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Phạm Phú An, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bắc Tân Uyên, cho biết từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và bằng việc làm hiệu quả, thiết thực, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn và các ấp về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được nâng lên. Nhờ đó, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai thực hiện sâu rộng, quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy tốt hơn; huy động ngày càng nhiều các nguồn lực để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước vào các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hiệu quả từ các mô hình

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có tác động tích cực đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của huyện Bắc Tân Uyên, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương của huyện Bắc Tân Uyên đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch, phát triển kinh tế; thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung xây dựng, duy trì các vùng trồng cây có múi; vận động nhân dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, nhiều cá nhân, hộ gia đình dám nghĩ, dám làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Huyện đã có nhiều mô hình “Dân vận khéo” điển hình trong

 lĩnh vực kinh tế, hoạt động hiệu quả, có giá trị kinh tế cao như mô hình “Tổ liên kết trồng cây có múi” (xã Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Mỹ); mô hình “Làm đường giao thông nông thôn chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nuôi gà thả vườn”, “Trồng khổ qua” (xã Tân Định, Bình Mỹ, Đất Cuốc)... Mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã tạo nên phong trào thi đua tích cực, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Ông Lê Hoàng Phương, Bí thư Đảng ủy xã Hiếu Liêm, cho biết trong thành quả chung của xã thời gian qua, ngoài sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền còn có vai trò rất lớn của nhân dân qua việc đóng góp các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Để người dân hiểu, đồng lòng, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền, MTTQ và đoàn thể tiếp tục phát huy dân chủ cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, xã đã hỗ trợ nông dân về các điều kiện sản xuất như làm đường giao thông, điện, xây dựng mô hình VietGAP, động viên nhân dân sản xuất, từ đó điều kiện sản xuất của nông dân xã nhà đã thuận lợi hơn, hiệu quả sản xuất được nâng cao, đóng góp vào thành quả phát triển chung của xã. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 60% nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện đã vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chương trình hành động cách mạng, chăm lo hộ nghèo, gia đình khó khăn. Một số mô hình, cách làm “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trong cộng đồng như “Sử dụng thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh”; “Tự quản về môi trường”; “Tuyến đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp (MTTQ); “Hiến máu nhân đạo”, “Trợ táng” (Hội Chữ thập đỏ), “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Câu lạc bộ “Phụ nữ tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” “Nuôi heo đất gây quỹ chung một tấm lòng”, “Túi gạo tình thương”, Câu lạc bộ “Lá chắn” (Hội Liên hiệp Phụ nữ) ; “Không rải vàng mã khi người nhà hội viên cựu chiến binh qua đời”, “Tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường” (Hội Cựu chiến binh)…

Thực hiện thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, lực lượng vũ trang đã khéo dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bám sát địa bàn, giúp đỡ nhân dân; giáo dục, cảm hóa cá nhân vi phạm pháp luật sau khi tại ngoại trở về địa phương. Các lực lượng còn nắm tình hình và định hướng tư tưởng, hành động, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp các nguồn tin có giá trị, giữ gìn an ninh trật tự thông qua việc tham gia thực hiện các mô hình “Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự”, Đội “Xung kích chống tội phạm”, Đội “Công nhân xung kích”…

Ông Phạm Phú An cho hay: “Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả gắn với các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả tích cực và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của các chi, Đảng bộ cơ sở”.

Trong thời gian tới, Huyện ủy Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức tuyên truyền sâu rộng để mọi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đúng mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tư tưởng “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước khác; thực hiện và nâng cao hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo” để nhân rộng triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị huyện…

 Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của huyện Bắc Tân Uyên, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương của huyện Bắc Tân Uyên đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch, phát triển kinh tế; thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung xây dựng, duy trì các vùng trồng cây có múi; vận động nhân dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên