Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vẫn còn đó những khó khăn

Cập nhật: 02-08-2013 | 00:00:00

Cụ thể hóa Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của Chính phủ, đến nay, Bình Dương đã đào tạo được gần 4.900 LĐNT. Thế nhưng, theo đánh giá chương trình đào tạo nghề cho LĐNT ở Bình Dương đạt hiệu quả chưa cao, đào tạo chủ yếu những ngành nghề đơn giản, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…

Hiệu quả bước đầu

Trong số 4.900 LĐNT được đào tạo từ năm 2010 đến nay, có gần 3.200 người học nghề nông nghiệp và hơn 1.800 học nghề phi nông nghiệp - dịch vụ. Những người theo học sau khi ra trường đều đáp ứng yêu cầu thực tế, vận dụng tốt trong việc trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su; trồng và chăm sóc sinh vật cảnh; trồng nấm; nấu ăn đãi tiệc, sửa chữa máy tính, lái xe nâng hàng, góp phần mang lại hiệu quả. Anh Nguyễn Tấn Hùng, người dân xã Trừ Văn Thố (Bến Cát) là một điển hình. Tốt nghiệp khóa học nghề, anh mở tiệm sửa xe gắn máy. Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: “Từ ngày học nghề sửa xe máy, tôi mở tiệm và cuộc sống ngày càng tốt hơn. Không ngờ chỉ được đào tạo lớp học ngắn hạn mà giờ đây, tôi đã “bén duyên” với nghề và thành công. Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân ở Bến Cát cũng đã tìm được việc làm sau khi tham gia lớp học cạo mủ cao su. “Ngay từ đầu tôi xác định ở quê tôi phát triển từ cây cao su. Do vậy, tôi cố gắng học nghề cạo mủ, vì thế đến nay, tôi không phải đi đâu xa mà ở tại quê nhà vẫn có việc làm, có cuộc sống ổn định”.

Nghề trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su đem lại hiệu quả cao vì phù hợp với nhu cầu lao động nông thôn

Còn rất nhiều trường hợp tương tự vươn lên ổn định cuộc sống sau khi học xong nghề. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Phải nói rằng, công tác dạy nghề cho LĐNT luôn nhận được sự đồng tình của các cấp, các ngành và người lao động trên địa bàn. LĐTN ngày càng đăng ký học nghề nhiều hơn, tạo điều kiện cho người lao động vùng nông thôn có nghề nghiệp để tự kiếm và tự tạo việc làm. Có được kết quả này, Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho LĐNT không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập; phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề… giúp cho LĐNT có cơ hội tham gia học nghề tốt hơn và nhiều hơn.

Còn nhiều khó khăn

Nói như thế nhưng trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế. Ông Trung một lần nữa cho biết, thời gian qua, đào tạo chủ yếu là những ngành nghề đơn giản, chương trình đào tạo thì ngắn hạn. “Cái khó hay gặp phải vẫn là trình độ học viên còn thấp, không đồng đều; phần lớn học viên đều vừa tham gia học tập, vừa làm việc phụ giúp gia đình nên lớp học không bảo đảm sỉ số. Bên cạnh đó, việc giải quyết việc làm sau khi học nghề có nhiều bất cập, bởi LĐNT lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội. Đã vậy, các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề thuộc các huyện, giáo viên cơ hữu thiếu khá nhiều và thiết bị phục vụ công tác dạy nghề cho LĐNT còn ít hoặc trang bị nhưng sử dụng chưa hiệu quả”, ông Trung nói.

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ nên có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó dạy nghề phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình dạy nghề phải sát thực tế, áp dụng những kỹ thuật mới vào chương trình giảng dạy cụ thể. Đặc biệt gắn với công tác dạy nghề là phải coi trọng công tác giải quyết việc làm sau khi học nghề, bởi đây là mục tiêu quan trọng nhất đem lại hiệu quả cho đề án.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên